Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc ngày 27/4 đã thông qua nghị quyết về cơ chế gìn giữ hòa bình trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang đang gây những tổn thất rất lớn cho con người, dẫn đến những cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo tại nhiều nơi trên thế giới.
Nghị quyết mở rộng khái niệm gìn giữ hòa bình để bao gồm thêm định nghĩa về "hòa bình bền vững" được hiểu như là "mục tiêu và tiến trình xây dựng tầm nhìn chung của một xã hội, đảm bảo nhu cầu của tất cả những cư dân trong xã hội đó."
"Hòa bình bền vững" bao gồm các hoạt động nhằm ngăn chặn xung đột bùng nổ, leo thang, kéo dài và tái diễn; giải quyết các nguyên nhân gốc rễ; trợ giúp các bên chấm dứt các hoạt động thù địch; đảm bảo sự hòa giải dân tộc; và thúc đẩy sự phục hồi, tái thiết và phát triển.
Sau khi nghị quyết được thông qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ca ngợi văn kiện thể hiện quyết tâm tạo sự thay đổi về tư duy cũng như chiến lược đối với vấn đề gìn giữ hòa bình. Trên cơ sở nghị quyết này, hệ thống Liên hợp quốc sẽ tăng cường sự hợp tác chiến lược với các quốc gia cũng như các đối tác khác để không chỉ ngăn chặn xung đột tái diễn mà còn ngăn chặn xung đột nổ ra khi chớm có dấu hiệu.
Tổng thư ký cũng cam kết sẽ hỗ trợ toàn bộ hệ thống của Liên hợp quốc thực thi những nghị quyết này, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên lớn nhất là đảm bảo hòa bình bền vững vì đó là điều kiện tiên quyết cho quyền của con người, sự phát triển bền vững và tất cả những nỗ lực khác.
Cơ chế gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được thành lập năm 2005 với mục đích, như tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc khi đó ông Kofi Annan, khắc phục "khoảng trống trong cỗ máy thể chế của Liên hợp quốc vì không có bộ phận nào trong hệ thống Liên hợp quốc có thể trợ giúp hiệu quả các quốc gia quá độ từ chiến tranh sang nền hòa bình lâu dài"./.