Liên minh châu Âu ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng quan trọng

23 nước thành viên Liên minh châu Âu đã ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng nội khối sau khi Anh rời khỏi EU.
Cờ Anh (phía trên) và cờ EU tại Westminster, London ngày 12/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

23 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/11 đã ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng nội khối sau khi Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit).

Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU và phát triển hệ thống vũ khí. Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini hoan nghênh thỏa thuận trên là "một trang mới trong hợp tác quốc phòng châu Âu."

PESCO sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước tham gia cũng cam kết sẽ "thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng", dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Thỏa thuận cũng bắt buộc các nước tham gia cung cấp "hỗ trợ thực chất" cho các sứ mệnh quân sự của EU. Các nước tham gia PESCO sẽ phải tiến hành đánh giá hàng năm để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết trong PESCO nếu không sẽ phải rời khỏi thỏa thuận này.

Trước đó, EU đã nhiều lần đề cập tới việc thắt chặt hợp tác quân đội song luôn vấp phải sự phản đối từ phía Anh do London không mong muốn xuất hiện một quân đội của châu Âu. Tuy nhiên, người dân Anh hồi năm ngoái đã bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên chỉ trích EU về vấn đề đóng góp ngân sách cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nêu rõ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, EU đã nhận thức rõ rằng khối này sẽ phải tự giải quyết các vấn đề của mình và do đó việc cần phải tổ chức lại theo hướng độc lập đã trở nên cấp thiết.

Anh - nước đang trong quá trình đàm phán rời khỏi EU, cùng với Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha và Malta, không ký tham gia vào thỏa thuận trên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cam kết sẽ hỗ trợ PESCO. Các nước thành viên EU lựa chọn không tham gia hiện nay có thể xin gia nhập sau nếu muốn.

Theo kế hoạch, PESCO sẽ chính thức được khởi động để có tính ràng buộc về mặt pháp lý trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục