Theo trang mạng eurasiareview.com, bà Ursula von der Leyen đã đọc bài phát biểu “thông điệp liên minh” đầu tiên của mình trên cương vị chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
Chín tháng sau khi tiếp nhận vai trò mới, cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã đặt ra hàng loạt thách thức lớn, nhưng cũng mở ra một cánh cửa cơ hội tiềm năng lịch sử để EU hành động và giải quyết những khó khăn sau một thập kỷ trì trệ.
Khi bà Von der Leyen nhậm chức hồi tháng 12/2020, bà đã không thể lường trước được rằng đại dịch COVID-19 sẽ là thách thức quyết định đối với năm đầu tiên ở nhiệm sở của mình.
Tuy nhiên, đại dịch đã chi phối bối cảnh chung và đem lại một môi trường khủng hoảng mà trong đó Liên minh châu Âu (EU) đôi khi lại cảm thấy đồng lòng nhất để có thể thúc đẩy sự tiến triển của các vấn đề chính trị và kinh tế.
Ngày 16/9, nữ chính trị gia người Đức đã vạch ra hàng loạt mục tiêu tham vọng để thúc đẩy khối và giúp EU trở nên dẻo dai hơn trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
[Chủ tịch EC đề cập tới nhiều thách thức trong thông điệp thường niên]
Trọng tâm của những tham vọng này chính là một “Thỏa thuận Xanh,” trong đó có một mục tiêu của EU nhằm cắt giảm ít nhất 55% sự phát thải khí đốt gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030 (tăng so với mục tiêu đặt ra hiện nay là 40%), và đến năm 2050 hướng tới mục tiêu còn 0.
Điều này sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ vào các lĩnh vực giao thông, công nghiệp nặng và năng lượng, nơi mà các hoạt động kinh doanh cũng sẽ phải gánh các chi phí cao hơn theo các kế hoạch chỉnh đốn các thị trường carbon của EU.
Bà Von der Leyen muốn nhiệm kỳ chủ tịch của bà phải là một bước ngoặt lịch sử, trong đó một một thành tựu lớn nhất từ trước đến nay sẽ đạt được dưới sự lãnh đạo của bà.
Tháng 7 vừa qua, ngoài Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bà cũng là một nhân vật then chốt nỗ lực thuyết phục các lãnh đạo EU khác nhất trí để lần đầu tiên trong lịch sử trao cho EU các quyền huy động các khoản đóng góp cho vay để tài trợ cho kế hoạch phục hồi thời hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (885 tỷ USD).
Tuy nhiên, thành tựu to lớn này, cùng với một "Thỏa thuận Xanh" đầy tham vọng, có thể không phải là những thành tích duy nhất.
Một thành tựu tiềm năng khác là thỏa thuận thương mại Anh-EU thời hậu Brexit, vốn chưa được nhất trí - bất chấp những lo ngại ngày càng gia tăng về một kịch bản không có thỏa thuận nào, có thể đạt được sớm nhất là vào ngày 15/10 tới.
Bà Von der Leyen tin tưởng rằng năm 2021 sẽ là một năm quyết định đối với những tham vọng và cơ hội hành động của khối gồm hơn 400 triệu người này. Nếu không, theo bà, mọi thứ sẽ chỉ càng đình trệ hơn, giống như tình trạng đã chi phối các hoạt động của EU suốt từ giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ngoài những cơ hội trước mắt, cũng có những "cơn bão" tiềm tàng, có thể là xuất phát từ nghĩa dân túy ngày càng phát triển.
Những năm gần đây, như cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã lập luận, đang có một sự gia tăng mạnh mẽ những thách thức từ bên trong và bên ngoài chưa từng thấy trong kỷ nguyên hậu chiến.
Trong nội bộ, có một sự phát triển đáng kể của một tư tưởng dân tộc chủ nghĩa chống EU trên khắp châu lục, vốn chứng kiến ngày càng nhiều lập luận mang tính dân túy, cũng như sự xói mòn những giá trị cơ bản của nền dân chủ tự do.
Mặc dù Brexit là một điển hình của xu thế này, song điều đó không có nghĩa là vấn đề chỉ giới hạn ở trong nước Anh.
Thực vậy, ông Emmanuel Macron đã thừa nhận hồi năm 2018 rằng ngay cả Pháp, cùng với Đức, là một trong số hai đầu máy truyền thống của sự liên kết EU, cũng có nguy cơ ủng hộ việc rời khỏi EU nếu đưa ra một sự lựa chọn tương tự như cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 của Anh.
Bà Von der Leyen cũng nhận thức được rằng Brussels đang quá phụ thuộc vào năng lực chính trị của Macron và Merkel.
Tuy nhiên, bà Merkel có thể sẽ rời nhiệm sở vào năm tới, còn ông Macron đang đối mặt với triển vọng bầu cử bấp bênh vào năm 2022 mà trong đó, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc (FN) cực hữu Marine Le Pen (người đã về nhì sau Macron và là ứng viên được Tổng thống Mỹ Donald Trump ưa thích) sẽ tiếp tục là một đối thủ quan trọng.
Trên bình diện quốc tế là một thực trạng địa chính trị mới từ một nước Nga ngày càng hung hăng, sự bất ổn tại Trung Đông, vốn đặt ra các vấn đề về di cư ảnh hưởng lớn đến châu Âu, và sự khó lường từ Washington, trong đó Trump đang kêu gọi có thêm nhiều Brexit nữa trên khắp châu lục.
Một trong số những đường lối rõ rệt mà bà Von der Leyen đã sử dụng để đối phó với môi trường phức tạp này là tập trung vào các mối quan hệ với các thị trường mới nổi quan trọng, đặc biệt là châu Phi, nơi đã trở thành một ưu tiên trong chính sách với nước ngoài của bà.
Tuy nhiên, ngoài lục địa này, những người khổng lồ châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc cũng rất quan trọng. Trong những tuần tới đây, một vấn đề có thể trở nên cấp bách sẽ liên quan đến Nga, trong bối cảnh những cuộc biểu tình tại Belarus sau cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng trước vẫn tiếp diễn.
EU đã đề xuất làm trung gian hòa giải và nói với Vladimir Putin rằng chính phủ của ông Alexander Lukashenko phải chấm dứt sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình hòa bình và đối thoại với phe đối lập, đồng thời lập tức trả tự do cho các tù binh chính trị.
Tình hình hiện vẫn rất căng thẳng và Putin đã khẳng định rằng việc EU tiếp tục gây áp lực lên ban lãnh đạo tại Minsk là điều “không thể chấp nhận được.”
Bài phát biểu của bà Von der Leyen đã chỉ rõ rằng những quyết định trong năm nay và năm tới sẽ giúp xác định những đặc tính chính trị và kinh tế dài hạn của EU khi đối diện với hàng loạt thách thức và cơ hội.
Khi những cơn giông bão lại sắp ập tới, bà cho rằng lúc này chính là thời điểm để EU đoàn kết và cùng nhau bước trên một con đường mới./.