Liệu 2019 có phải là năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump?

Tạp chí Time đã không bình chọn Tổng thống Mỹ Donald Trump là Nhân vật của năm 2018. Tuy nhiên, tạp chí này có thể sẽ phải làm như vậy trong năm 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin project-syndicate, tạp chí Time đã không bình chọn Tổng thống Mỹ Donald Trump là Nhân vật của năm 2018. Tuy nhiên, tạp chí này có thể sẽ phải làm như vậy trong năm 2019.

Kết thúc năm 2018, ông Trump phải đối mặt với nhiều chỉ trích khi tuyên bố rút quân khỏi Syria và Afghanistan mà không tham vấn trước với các cố vấn (dẫn tới việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố từ chức), và chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần do bất đồng liên quan tới bức tường biên giới với Mexico.

Năm 2019, với việc đảng Dân chủ nắm quyền tại Hạ viện, ông Trump sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng liên quan tới các chính sách đối ngoại của ông. Những người ủng hộ chính phủ bác bỏ mọi chỉ trích.

[Thông tin "Tổng thống Mỹ làm đặc vụ của cho Nga" là điều ngớ ngẩn"]

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại, các nhà ngoại giao và các đồng minh kinh hãi trước phong cách đả phá những điều tồn tại từ lâu nay của ông Trump, nhưng những người ủng hộ tổng thống đã bỏ phiếu ủng hộ sự thay đổi và sẵn sàng hoan nghênh sự đả phá này.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia lập luận rằng sự đả phá này sẽ trở nên chính đáng nếu những tác động mà nó tạo ra chứng minh được là đem lại lợi ích cho Mỹ, ví dụ như một chế độ ôn hòa hơn tại Iran, phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thay đổi các chính sách kinh tế của Trung Quốc và một cơ chế thương mại quốc tế cân bằng hơn.

Tất nhiên, việc đánh giá những hậu quả lâu dài của chính sách đối ngoại mà ông Trump vạch ra giống như dự đoán tỷ số khi một trận đấu mới diễn ra một nửa.

Niall Ferguson, nhà nghiên cứu lịch sử của trường Đại học Stanford, nói: "Điều then chốt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là đây có thể là cơ hội cuối cùng để nước Mỹ ngăn chặn, hoặc ít nhất là làm chậm lại, uy lực của Trung Quốc. Và cách tiếp cận của ông Trump có thể không làm vừa lòng tất cả mọi người, song nó trên thực tế lại là lựa chọn duy nhất còn lại, đó là khẳng định sức mạnh của Mỹ theo các cách thức không thể dự đoán và phá vỡ những điều tồn tại lâu nay."

Những người chỉ trích ông Trump đáp trả rằng cho dù cách tiếp cận vấn đề của ông đem lại một số thành công, song cần phải đánh giá điều này trong một tổng thể gồm cả chi phí và lợi ích. Họ lập luận rằng cái giá sẽ quá cao nếu xét tới những thiệt hại gây ra cho các thể chế quốc tế và niềm tin của các đồng minh.

Ví dụ, so sánh với Trung Quốc, Mỹ có hàng tá đồng minh và rất ít tranh chấp với các nước láng giềng, trong khi Trung Quốc có ít đồng minh và có một số tranh chấp lãnh thổ.

Cuộc tranh luận này làm dấy lên những câu hỏi lớn hơn về tính thích đáng của phong cách cá nhân trong đánh giá chính sách đối ngoại của tổng thống.

Tháng 8/2016, 50 người - trong đó chủ yếu là các cựu quan chức an ninh quốc gia thuộc đảng Cộng hòa - cho rằng tính khí của ông Trump sẽ khiến ông không thích hợp để nắm giữ cương vị tổng thống. Đa số họ đã bị đuổi ra khỏi đảng, song liệu họ có đúng hay không?

Là một nhà lãnh đạo, ông Trump có thể thông minh hoặc không, song khí chất của ông bị đánh giá thấp, cả về mặt cảm xúc và sự hiểu biết - những điều từng giúp Franklin D. Roosevelt hay George H.W. Bush trở thành những tổng thống thành công.

Tony Schwartz, người cùng viết cuốn "Nghệ thuật đàm phán" với ông Trump, cho rằng: “Tính tự phụ của ông Trump luôn có nguy cơ dẫn tới rủi ro. Khi cảm thấy bị công kích, ông ấy có thể phản ứng một cách bốc đồng, tạo ra những câu chuyện để tự bào chữa cho mình mà không cần dựa trên sự thực và luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác."

Tuy nhiên, tính lỗ mãng sẽ gây ra hậu quả. Trong khi tìm cách thúc đẩy sự thay đổi, ông Trump đã phá vỡ nhiều thể chế và các liên minh, chỉ bất đắc dĩ thừa nhận tầm quan trọng của chúng.

Ông Trump đã đánh giá thấp nền dân chủ và quyền con người khi phản ứng yếu ớt trước vụ phóng viên bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi của Saudi Arabia bị sát hại.

Mặc dù ông từng đồng tình với cựu Tổng thống Ronald Reagan rằng Mỹ giống như một thành phố ở trên đồi, nơi có ngọn lửa hiệu chiếu sáng cho những người khác, song cách cư xử của ông ở trong nước đối với báo chí, hệ thống tư pháp và những cộng đồng thiểu số đã làm suy yếu hình ảnh của một nước Mỹ dân chủ.

Các cuộc thăm dò dư luận quốc tế cho thấy quyền lực mềm của Mỹ đã suy giảm kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Mặc dù những người chỉ trích và những người biện hộ tranh luận về tính hấp dẫn của những giá trị được thể hiện trong cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump, song một nhà phân tích công bằng không thể biện hộ rằng cảm xúc cá nhân đã khiến ông Trump đi chệch hướng khi thực hiện các mục tiêu của mình - ví dụ như trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Chủ nghĩa không can thiệp của ông Trump đã bảo vệ ông khỏi việc phạm phải một số sai lầm, tuy nhiên nhiều người có thể đặt câu hỏi rằng liệu ông Trump có đủ khả năng tư duy và nhận thức tình hình theo bối cảnh để hiểu về những rủi ro mà nước Mỹ đang phải đối mặt trong kỷ nguyên này hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục