Liệu có nguy cơ hiện hữu Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung?

Cuộc chiến thương mại, cộng với một loạt căng thẳng lâu nay như vấn đề biển Hoa Đông, hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên... có thể nói, rủi ro địa chính trị nghiêm trọng là điều rất có thể xảy ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội trường Nhân dân Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/11/2017. (Nguồn: Reuters)

Theo Mạng tin atimes.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện đúng như những gì ông tuyên bố: phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, thông báo áp thuế thêm đối với hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Với việc Trung Quốc thề sẽ trả đũa, có thể nói sự nồng ấm của hội nghị thượng đỉnh Mar-a-Lago hồi tháng 4/2017 đã trở thành quá khứ.

Thương chiến Mỹ-Trung, cộng với một loạt căng thẳng tồn tại lâu nay như tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Đông, “bóng ma hạt nhân” trên Bán đảo Triều Tiên... có thể nói, rủi ro địa chính trị nghiêm trọng là điều rất có thể xảy ra.

Trong những giai đoạn bất ổn như vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi giới học giả và các nhà bình luận hướng về quá khứ để tìm kiếm sự tương quan với những cuộc khủng hoảng hiện nay.

Cách đây không lâu, có một xu hướng xuất hiện khi so sánh những căng thẳng tại châu Á giống Chiến tranh Thế giới I năm 1914. Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là thời điểm hoàn hảo để so sánh như vậy. Và nay, một “điệp khúc” phổ biến hơn cho rằng châu Á đang trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh” mới.

Nếu xảy ra, điều đó đồng nghĩa với việc những tranh chấp được chuyển sang thành sự cạnh tranh quân sự công khai, có thể kéo cả khu vực vào vòng xoáy bất ổn.

[Bốn vấn đề khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang]

Trong kịch bản đó, Mỹ không phải đối đầu với Nga, mà thay vào đó là một Trung Quốc đang trỗi dậy. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra mục tiêu rõ ràng để biến Trung Quốc thành cường quốc vượt trội trên thế giới.

Cho đến thời điểm rất gần đây, “Chiến tranh Lạnh” mang đặc tính thế kỷ 21 vẫn chưa xảy ra. Mỹ và Liên Xô từng sở hữu hai thái cực kinh tế hoàn toàn tách biệt trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh, đồng nghĩa với việc động lực cạnh tranh chỉ xuất phát từ sức mạnh chính trị và hệ tư tưởng, còn hiệu ứng từ lợi ích kinh tế chia sẻ đơn giản là không hề tồn tại. Vì thế, những tranh cãi Mỹ-Trung hiện vẫn cứ diễn ra, còn sự phụ thuộc về kinh tế chính là "cái phanh" mạnh mẽ kìm hãm bản ngã của hai nước.

Bản ngã

Mặc dù Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu nhau, song hai nước cũng thiết lập một loạt cơ chế song phương mở rộng để kiểm soát mối quan hệ phức tạp đó. Có khoảng 1.000 cuộc gặp giữa hai nước hàng năm, từ mức độ hội nghị thượng đỉnh cho đến cuộc gặp của các quan chức cấp trung, với những chủ đề đa dạng từ thương mại, đầu tư cho đến phòng vệ đường biển và nghề cá.

Hai nước hiểu họ phải nỗ lực đảm bảo động lực cạnh tranh không trượt khỏi tầm kiểm soát. Và tất nhiên, vũ khí hạt nhân của cả hai đóng vai trò như một lực lượng kiểm soát, đảm bảo ngay cả mối quan hệ “nóng” nhất vẫn có thể chỉ là xung đột ngắn hạn.

Châu Á cũng có hàng loạt cơ chế thể chế như ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, vốn thường xuyên thảo luận về những mối quan ngại chung và xây dựng ý thức về lòng tin khu vực. Tuy nhiên, bất chấp rất nhiều cuộc họp như vậy, mà trong đó quá ít thỏa thuận được đưa ra so với mức độ thảo luận, có những lý do để cân nhắc về Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0 đang cận kề hơn những gì chúng ta nhận ra.

Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang bước vào giai đoạn đối đầu địa chính trị đáng kể. Mỗi nước đều có những tham vọng mà hai bên không thể tương hợp. Trung Quốc muốn kiểm soát khu vực Đông Nam Á mà không phải phụ thuộc vào Mỹ, trong khi Washington muốn duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Hai nước cũng nhận thấy sẽ rất khó để đặt mình vào vị trí của nhau. Washington dường như không thể chấp nhận sự thật đó, cho dù Trung Quốc đã được hưởng lợi từ vị thế (suy giảm) của Mỹ trong khu vực, và Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận vị thế bị động của mình trong trật tự khu vực.

Về phần mình, Trung Quốc đơn giản là không tin tưởng tuyên bố của Washington rằng họ muốn Trung Quốc đạt tới tiềm năng của mình, và điều đó có thể xảy ra mà không tạo ra những thay đổi quan trọng đối với trật tự thế giới. Cùng với chủ nghĩa dân túy, vốn là một lực đẩy chính trị mạnh mẽ tại cả hai nước, viễn cảnh về một tương lai địa chính trị ảm đạm trở nên rất thực tế.

Chiến tranh thương mại leo thang là một trong những sự phát triển đáng lo ngại nhất. Đó không chỉ là một tín hiệu bất ổn hơn và đánh dấu một giai đoạn ít tích cực hơn trong nền kinh tế toàn cầu, mà nó còn cho thấy chiến thắng của chính trị dân túy đối với lợi ích của nền kinh tế chung. Điều quan trọng hơn, nó có thể là điềm báo trước cho sự quay trở lại của nền kinh tế toàn cầu ít hội nhập hơn.

Hàng rào thuế quan

Ông Trump hiển nhiên muốn phá bỏ chuỗi cung ứng toàn cầu và quay ngược thời gian về những ngày mà những “con buôn hám lợi” tiếp cận sự phát triển kinh tế. Đáng lo ngại nhất, xuất phát từ những hành vi của Trung Quốc trong quá khứ, như ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, lợi dụng đầu tư nước ngoài trong khi từ chối mở cửa thị trường rộng lớn - hàng rào thuế quan của Trump được triển khai ở cấp độ đáng kinh ngạc nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh tại Mỹ.

Rủi ro không chỉ nằm trong những căng thẳng tồn tại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn là sự phân tách đáng kể trong lợi ích giữa hai quốc gia quan trọng nhất thế giới này. Nếu sự ràng buộc về phụ thuộc kinh tế giữa hai nước không còn, viễn cảnh địa chính trị và chủ nghĩa dân túy thắng thế ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Trung Quốc cũng coi hàng rào thuế quan của Mỹ là lời xác nhận cho những nghi ngờ lâu nay rằng Mỹ không muốn Trung Quốc đạt tới tiềm năng phát triển của mình. Xung đột thương mại leo thang đang xói mòn mối liên kết quan trọng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc - lợi ích kinh tế chung giữa hai nước.

Cạnh tranh địa chính trị cường độ cao có thể tiếp tục gia tăng. Trừ khi Mỹ và Trung Quốc xuống nước khỏi vòng xoáy leo thang mà họ đã bước lên, chúng ta đang trượt vào giai đoạn mà các cường quốc đối đầu, cạnh tranh quân sự và chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm một lần nữa thống trị khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục