Liệu đây có phải NATO phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Mỹ đang nỗ lực để khôi phục quan hệ đồng minh, các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á và châu Âu cùng “đồng thanh” hưởng ứng, tích cực đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc cạnh tranh, kiềm chế Trung Quốc.
Một binh sỹ Pháp tham gia cuộc tập trận tại Nhật Bản. (Nguồn: AP)

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã đăng bài viết của chuyên gia nghiên cứu Hạng Hạo Vũ, hiện làm việc tại Viện châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, về chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nội dung như sau:

Từ ngày 11-17/5/2021, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Australia đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Hoa Đông, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Cuộc tập trận này có 3 điểm bất thường sau:

Một là, trang thiết bị khí tài hiện đại. Hải quân 4 nước đã điều động 11 tàu mặt nước, 1 tàu ngầm cùng hàng chục máy bay vận tải và tuần tra.

Đặc biệt, các chiến hạm chủ lực USS Thunderbolt và USS New Orleans do Nhật Bản, Pháp, Mỹ điều động đều là mẫu hạm có trọng tải 10.000 tấn, có thể là nơi để máy bay trực thăng cất cánh và hạ cánh.

Ngoài ra, Nhật Bản, Mỹ và Pháp cũng điều động tổng cộng 220 lính thủy đánh bộ tinh nhuệ tham gia cuộc tập trận.

Hai là, có định hướng rõ ràng. Cuộc tập trận diễn ra tại khu vực Kyushu của Nhật Bản và khu vực gần Biển Hoa Đông, là khu vực ngay sát đường thẳng nối từ Nhật Bản đến Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan, chỉ cách quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku)1.000km.

[Những thông điệp mạnh mẽ từ cuộc tập trận chung Nhật-Mỹ-Pháp]

Cuộc tập trận tập trung vào chủ đề "chiếm đảo," huấn luyện tác chiến đổ bộ, nhấn mạnh các hoạt động phối hợp của nhiều loại vũ khí ở trên biển, trên bộ và trên không, trọng điểm là các cuộc tấn công bằng trực thăng, đổ bộ và chiến đấu trên đường phố.

Ba là, sự gia nhập của các cường quốc châu Âu. Hạm đội Pháp lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận ở Nhật Bản và Biển Hoa Đông.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Pháp gọi cuộc tập trận chung này là "cơ hội để khẳng định mức độ quan tâm của Pháp đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Nhật Bản."

Đại dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát trên khắp thế giới, nhưng 4 quốc gia vẫn tiến hành tập trận quân sự chung, hành động này phát đi thông điệp đáng lo ngại:

Trước hết, cuộc tập trận của 4 nước mang lại một rủi ro nguy hiểm liên quan đến việc can thiệp quân sự vào các tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật và thậm chí là cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, có thể dẫn đến gia tăng nguy cơ xung đột địa chính trị và đối đầu quân sự.

Toàn vẹn lãnh thổ liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, cho dù là thăm dò phản ứng hay có ý đồ hoạt động quân sự thực sự, chỉ cần họ dám vượt qua "ranh giới đỏ" lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, thì bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải cân nhắc kỹ hậu quả. Bốn quốc gia nói trên nên hiểu rõ điều này.

Thứ hai, việc các nước châu Âu can dự vào các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ làm phức tạp thêm môi trường an ninh khu vực.

Sau khi chính quyền ông Biden lên nắm quyền, Mỹ đã nỗ lực để khôi phục quan hệ đồng minh, các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á và châu Âu cùng “đồng thanh” hưởng ứng, tích cực đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc cạnh tranh, kiềm chế Trung Quốc.

Hai hệ thống đồng minh lớn của Mỹ là châu Á-Thái Bình Dương và xuyên Đại Tây Dương đang lợi dụng hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để khuếch trương thanh thế bao vây xung quanh Trung Quốc.

Các động thái NATO hóa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và NATO thâm nhập Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang đồng thời triển khai.

Được biết, NATO là một khối quân sự do Mỹ lãnh đạo, vẫn duy trì tư duy Chiến tranh Lạnh với “cuộc chơi có tổng bằng 0.”

Sau thời của ông Trump, đã có người Mỹ kêu gọi thành lập "NATO phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Trước những nghi ngờ của nhiều nước trong khu vực, Mỹ, Nhật Bản một mặt tuyên bố hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của họ không nhằm vào các nước cụ thể và không có ý định xây dựng NATO phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mặt khác lại có sự phân biệt ý thức hệ trong hành động thực tế, ra sức gây mâu thuẫn, đối đầu tại khu vực, lôi kéo các quốc gia trong khu vực đối đầu với Trung Quốc.

Thế giới đã thay đổi, các nước châu Âu nên biết rằng thế giới ngày nay không giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc ngày nay không phải là Liên Xô của quá khứ, cạnh tranh bá quyền với Mỹ không phải là lựa chọn của Trung Quốc.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nước châu Á-Thái Bình Dương được hưởng lợi từ môi trường khu vực hòa bình, ổn định và đạt được thịnh vượng, phát triển thông qua phân công lao động và hợp tác toàn cầu hóa.

Chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi là nguyện vọng chung của tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việc các nước như Mỹ, Nhật Bản lôi kéo các nước trong khu vực thực hiện chiến lược cạnh tranh, kiềm chế Trung Quốc sẽ không nhận được ủng hộ. Nỗ lực kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc thông qua xuyên tạc "mối đe dọa Trung Quốc" sẽ chỉ càng kích thích ý chí phấn đấu vươn lên của người dân Trung Quốc.

Đối mặt với việc Mỹ lôi kéo các nước kiềm chế Trung Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trên cơ sở kiên định bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Trung Quốc kiên trì tinh thần tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng, cởi mở và bao dung, hợp tác cùng thắng, tích cực hoàn thành trách nhiệm nước lớn, nỗ lực kiểm soát bất đồng, thúc đẩy hợp tác, bảo vệ cục diện ổn định và phồn vinh của khu vực. Như vậy, chiến lược của một số quốc gia nhằm kiềm chế Trung Quốc tự nhiên sẽ thất bại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục