Lộ diện những "quân bài tẩy" do lực lượng Taliban nắm giữ

Taliban không muốn đánh mất quân bài TTP và ETIM; do đó họ đã thông báo một cách khéo léo tới Islamabad rằng họ sẽ cho phép TTP trú ẩn ở Afghanistan, thay vì cắt đứt quan hệ với nhóm này.
Các tay súng Taliban tại thành phố Ghazni, Afghanistan, ngày 12/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, theo Thỏa thuận Doha năm 2020, việc Mỹ rút các lực lượng của họ khỏi Afghanistan dựa trên điều kiện rằng Taliban sẽ đảm bảo lãnh thổ Afghanistan không bị Tổ chức Al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lợi dụng làm bệ phóng cho các cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ.

Hiện nay, các quốc gia khác trong khu vực cũng đang trông đợi các hiệp định tìm kiếm sự bảo đảm an ninh tương tự từ Taliban. Taliban đang nắm giữ mọi quân bài trong tay để lợi dụng nỗi lo lắng của các quốc gia trong khu vực về mối đe dọa khủng bố tràn ra từ Afghanistan.

Không sớm thì muộn các quốc gia - trong đó bao gồm Nga, Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ - sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan do những lo ngại an ninh này.

Đối với Nga, Taliban có thể tận dụng quân bài IS hoặc IS-Tỉnh Khorasan (ISIS-K) để “khai thác” những quan ngại của Điện Kremlin về việc nhóm này tập hợp tay súng ở các nước cộng hòa ở Trung Á như Tajikistan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo rằng khoảng 2.000 tay súng IS đã tập trung ở miền Bắc Afghanistan và đang lên kế hoạch giả làm người tị nạn để tiến vào các quốc gia Trung Á láng giềng. Mối đe dọa tiềm tàng đối với Trung Á đã đẩy Moskva gần Taliban hơn.

Taliban được coi là lực lượng chủ chốt có thể chống lại các tay súng IS và hạn chế chúng ở trong Afghanistan. Moskva đã yêu cầu Taliban hành động chống lại các tay súng IS.

[Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan là bi kịch hay hài kịch?]

Theo chiến lược Afghanistan hậu Mỹ, Moskva có kế hoạch trấn áp các mối đe dọa khủng bố bên trong Afghanistan để ngăn chặn tình trạng lan tràn sang các quốc gia Trung Á. Do đó, việc hỗ trợ Taliban và củng cố mối quan hệ quân sự với lực lượng này để giám sát sự xâm nhập của IS vào khu vực nằm trong lợi ích an ninh của Điện Kremlin.

Khi lợi dụng quân bài IS, Taliban có cơ hội giành được sự công nhận, ưu ái và hợp tác quốc phòng của Moskva.

Đối với Pakistan, Taliban có thể sử dụng quân bài Tehreek-i-Taliban Pakistan (TTP), một nhánh của Taliban ở Pakistan. Theo một báo cáo hồi tháng 6/2021 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hiện TTP vẫn có sự hiện diện của khoảng 6.000 tay súng ở Afghanistan.

Nhóm này có dính dáng đến việc nhắm mục tiêu vào các lực lượng an ninh của Pakistan, công dân Trung Quốc và các dự án của Trung Quốc ở Pakistan.

Chủ nghĩa khủng bố của TTP tại Pakistan lộng hành từ năm 2007 đến năm 2014, sát hại 80.000 người Pakistan, trong đó có phụ nữ, trẻ em và nhân viên an ninh trong hàng trăm vụ tấn công khủng bố.

Hồi tháng 12/2014, quân đội Pakistan đã phát động chiến dịch Zarb-e-Azb sau khi TTP tấn công Trường quân sự Peshawar ở Tây Bắc Pakistan và thảm sát 150 người, trong đó có 130 học sinh. Các thủ lĩnh và tay súng của nhóm này đã chạy trốn khỏi Pakistan và tị nạn ở Afghanistan.

Hiện nay, chính phủ Pakistan đang đàm phán với TTP về một lệnh ngừng bắn toàn diện và các thủ lĩnh Taliban đang tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán này.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Pakistan Arif Alvi cho biết Taliban ở Afghanistan đã chuyển lời tới Pakistan rằng họ sẽ cho phép TTP trú ẩn ở Afghanistan với điều kiện TTP ngừng các hoạt động khủng bố chống lại Pakistan. Alvi cũng đề xuất chính phủ Pakistan có thể xem xét ân xá cho những thành viên TTP đồng ý tuân thủ Hiến pháp Pakistan.

Đối với Trung Quốc, Taliban có thể sử dụng cả quân bài TTP và Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM). ETIM là một nhóm Hồi giáo người Ngô Duy Nhĩ cực đoan đấu tranh cho một nhà nước Đông Turkestan độc lập, thay thế Tân Cương ở miền Tây Trung Quốc.

Taliban đã giải quyết mối quan ngại lớn nhất của Trung Quốc về những phần tử ly khai Ngô Duy Nhĩ, những người đã tị nạn ở Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban vào những năm 1990. Các thủ lĩnh hiện tại của Taliban đã đảm bảo với Trung Quốc rằng họ sẽ không cho phép những phần tử ly khai Ngô Duy Nhĩ hay các tay súng ETIM vào Afghanistan.

Trong chuyến thăm của phái đoàn Taliban tới Trung Quốc vào tháng 8/2021, Islamabad và Bắc Kinh đã truyền đạt một thông điệp rõ ràng rằng Taliban ở Afghanistan cần cắt đứt hoàn toàn quan hệ của họ với TTP và ETIM.

Taliban không muốn đánh mất quân bài TTP và ETIM; do đó họ đã thông báo một cách khéo léo tới Islamabad rằng họ sẽ cho phép TTP trú ẩn ở Afghanistan, thay vì cắt đứt quan hệ với nhóm này.

Theo đề nghị của Taliban, Pakistan đang xem xét ân xá đối với TTP. Liệu Trung Quốc có làm điều tương tự với những phần tử ly khai Ngô Duy Nhĩ hay ETIM? Quân bài ETIM và TTP của Taliban vẫn tiếp tục khiến Trung Quốc và Pakistan chịu nhiều áp lực.

Đối với Ấn Độ, Taliban đang nắm giữ “quân bài thánh chiến.” Ấn Độ đang lo ngại về sự xâm nhập của các tay súng thánh chiến vào khu vực Kashmir mà Ấn Độ kiểm soát. Nước này lo ngại những phần tử nổi dậy ở Kashmir có thể bị chính quyền Taliban ở Kabul kích động.

Ấn Độ cho rằng sự gia tăng về số lượng các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Ấn Độ là do những kẻ nổi loạn Kashmir gây ra sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul.

Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, Đại tướng MM Naravane đã nêu lên những lo ngại của mình và cho biết trong quá khức, khi Taliban từng nắm quyền hồi những năm 1990, tại Ấn Độ đã xuất hiện những phần tử khủng bố nước ngoài gốc Afghanistan ở Jammu và Kashmir.

Mỹ đã khiến Taliban trở thành một người bảo đảm an ninh khi họ ký thỏa thuận Doha với nhóm Hồi giáo này. Nếu Taliban có thể trở thành người bảo đảm đảm an ninh cho siêu cường này, thì lý do gì họ lại không thể làm vậy cho các quốc gia khác?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục