Ngày 15/5 tới là mốc muộn nhất cho việc công bố danh tính huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam. Đó là lời khẳng định của Tổng thư ký Lê Hoài Anh tại cuộc gặp gỡ báo chí ở trụ sở VFF chiều nay (28/4).
Câu chuyện về huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam vẫn luôn là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là trước thềm AFF Suzuki Cup vào cuối năm. Tổng thư ký Lê Hoài Anh đã có những chia sẻ rõ ràng với báo giới về vấn đề này.
- Ông có thể tiết lộ quá trình tìm kiếm huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam?
Tổng thư ký Lê Hoài Anh: “Sau khi huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc kết thúc hợp đồng với VFF, chúng tôi đã có thông báo tới các nhà môi giới huấn luyện viên trên thế giới. Cũng qua thông tin đại chúng, các huấn luyện viên hiện không có công việc cũng bắt đầu liên hệ với VFF. Chúng tôi cũng có một danh sách tóm tắt thành tích của các huấn luyện viên làm việc tại Việt Nam do các huấn luyện viên tự đề xuất.
Trên cơ sở đó, hội đồng huấn luyện viên quốc gia đã xem xét và rút gọn thành một danh sách ngắn để tiến hành chọn lựa. Các công việc cuối cùng cho quá trình lựa chọn huấn luyện viên tuyển quốc gia đã gần hoàn tất rồi.
- VFF có ưu tiên quốc gia nào hay có tiêu chí nào trong quá trình lựa chọn không?
Tổng thư ký Lê Hoài Anh: Chúng tôi không đặt vấn đề cố định một quốc gia nào. Đương nhiên, VFF có sự ưu tiên với Nhật Bản. Chúng tôi hiện có một danh sách khoảng 16 huấn luyện viên với rất nhiều quốc tịch. Như một số bạn đã biết, danh sách đó có Marcel Desailly và Rajagopal (cựu huấn luyện viên đội tuyển Malaysia).
Chúng tôi cân nhắc trên nhiều yếu tố. Thứ nhất là năng lực chuyên môn xem họ đủ điều kiện dẫn dắt tuyển Việt Nam, có đủ bằng cấp để đăng ký trong danh sách thi đấu tất cả các giải quốc tế và châu Á không. Thứ hai, điều kiện làm việc phải phù hợp với khả năng chi trả của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Chúng ta không thể chọn một huấn luyện viên có tiếng nhưng đòi hỏi điều kiện quá cao. Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng nói rất muốn chọn một huấn luyện viên Nhật Bản. Vì theo đánh giá của chúng tôi, Nhật là nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu Á. J-League là giải đấu thành công nhất châu Á. Năng lực của các huấn luyện viên Nhật, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật của họ ở trình độ rất cao.
Yếu tố thứ ba được cân nhắc là sự tương đồng về văn hóa. Văn hóa Nhật Bản và Việt Nam rất gần gũi.
- VFF có đặt ra cột mốc nào cho việc công bố huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam không?
Tổng thư ký Lê Hoài Anh: Chúng tôi đặt ra mốc 15/5. VFF sẽ cố gắng công bố huấn luyện viên tuyển quốc gia trước ngày đó.
“Chúng ta chỉ mua được mớ rau muống nhưng lại đòi thịt bò Kobe”Cũng trong buổi gặp gỡ này, Phó Chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ đã thẳng tay gạt trung vệ người Pháp Marcel Desailly khỏi vị trí ứng cử viên tiềm năng của ghế nóng tuyển Việt Nam.
Ông Gụ chia sẻ: “Tôi có đọc báo thấy đề cập tới chuyện trung vệ người Pháp (Marcel Desailly). Tôi nói rằng chúng ta nên quên luôn chuyện này đi vì với những người như thế, chúng ta không bao giờ mơ tới. Tiền chúng ta chỉ mua được mớ rau muống mà lại muốn ăn thịt bò Kobe thì không bao giờ được.
Nếu ông ấy sang Việt Nam, lương của ông ấy phải là khoảng 50, 60 ngàn USD, chưa kể tiền xăng xe, phiên dịch. Với nền kinh tế nước ta, đó là không thể chấp nhận được.
Huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam hướng nhiều về châu Á chứ không phải châu Âu. Động chạm tới những người khác (các huấn luyện viên châu Âu), chúng ta không thể lo được kinh phí.”