Lời giải nào cho bài toán bảo tồn nghệ thuật hát bội ở TP.HCM?

Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực kế thừa trong khi nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ khá thờ ơ với nghệ thuật hát bội khiến môn nghệ thuật mang tính ước lệ cao này đứng trước nguy cơ mai một.
Nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh diễn trích đoạn Trần Hưng Đạo ra quân. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Cũng như một số loại âm nhạc cổ truyền khác, nghệ thuật hát bội ở Thành phố Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng mai một vì không còn nhiều người theo đuổi, truyền bá và gìn giữ trong khi đây cũng là loại hình nghệ thuật kén người nghe, rất khó thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực

Theo Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh, trong gần 10 năm qua, đã có hơn 10 nghệ sỹ kỳ cựu, giỏi nghề của Nhà hát đã phải rời sàn diễn vì đến tuổi hưu. Trong khi đó, lớp trẻ bổ sung vào đội ngũ biểu diễn cũng rất ít ỏi, chưa kể, việc tìm kiếm nhân tố mới có năng khiếu, đam mê với nghề không phải là điều dễ dàng.

Cũng vì thiếu nhân lực nên trong hầu hết các vở diễn, mỗi nghệ sỹ, diễn viên buộc phải đảm nhận 2-3 vai mới có thể hoàn thiện một vở diễn trước công chúng.

Theo thống kê của Nhà hát, mỗi năm, nhân lực cứ giảm dần, dù nhà hát vẫn nỗ lực rất lớn trong tổ chức đào tạo, tìm kiếm, rộng cửa chào đón lớp trẻ đầu quân về để kế thừa, thế nhưng, kết quả không như mong đợi.

[Thế hệ trẻ góp phần bảo tồn nghệ thuật hát bội tại TP Hồ Chí Minh]

Năm 2021, nhà hát chỉ có 7 nhạc công và 18 nghệ sỹ, diễn viên biểu diễn, trong đó, có 2 nghệ sỹ đến tuổi nghỉ hưu. Lớp kế tiếp cũng đã ở độ tuổi U50, U40. Thế hệ trẻ nhất ở nhà hát thuộc hàng 9X chỉ có 4 nghệ sỹ.

Vì vậy, ở những vai diễn nặng ký, đòi hỏi nhiều về thể lực, một số nghệ sỹ đàn anh, đàn chị của nhà hát hiện đã không thể đảm nhận, buộc phải trao vai cho các diễn viên trẻ. Tuy nhiên, một số nghệ sỹ trẻ vẫn chưa thể hiện xuất sắc những vai diễn đã tạo nên tên tuổi, dấu ấn như lớp nghệ sỹ đi trước. Vì vậy, nhà hát vẫn gặp khó trong khâu đào tạo, thu hút nghệ sỹ trẻ tham gia.

Bộ môn nghệ thuật sân khấu độc đáo

Hát bội là một nghệ thuật sân khấu độc đáo, có mặt ở nước ta từ rất sớm, tồn tại đến nay hàng trăm năm.

Hát bội được truyền từ Bắc (Đàng ngoài) đến miền Trung (Đàng Trong) vào thế kỷ thứ XVII. Người có công đầu phát triển sân khấu tuồng ở Đàng Trong là Đào Duy Từ. Hát bội truyền vào Nam bộ khoảng thế kỷ XVIII và XIX.

Nghệ sỹ hát bội hóa trang và chuẩn bị trang phục cho vai diễn. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngay từ khi có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long, hát bội gắn bó chặt chẽ với hoạt động văn hóa đình làng. Đình là trung tâm văn hóa cộng đồng của làng. Ở mỗi đình, ngoài gian chánh điện để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, gian võ quy, thì nhất thiết phải có gian võ ca.

Gian võ ca thiết kế, bày trí như một rạp hát có sân khấu và khán đài dành cho khán giả. Trong các kỳ lễ hội, hát bội được trình diễn để dâng cúng Thần Thành Hoàng bổn cảnh của làng sau là giúp vui cho bà con nông dân sau những ngày lao động vất vả.

Hát bội là loại hình nghệ thuật cách điệu từ nội dung cốt truyện, cử chỉ, điệu bộ, lời ca, tiếng hát, y phục, hóa trang.

Hát bội gồm các dạng như hát xây chầu, hát thưởng, hát giàn, hát chặp.

Nhóm tuồng hát gồm tuồng văn và tuồng võ, tuồng nho và tuồng thầy, tuồng truyện và tuồng đồ. Về điệu thức có nói lối, xướng, bạch; hát khách; hát nam; hát chúc mừng; ngâm, thán, oán…

Sân khấu hát bội là sân khấu cách điệu đến mức cao nhất. Phía sau mặt sân khấu chỉ có một tấm phông vẽ mặt rồng. Hai bên cánh gà vẽ mấy hoa văn đơn giản. Cờ soái, bảo cái được treo hai bên. Giữa sân khấu có một cái bàn cố định, có thể là hương án, quan án, ngọn đồi, quả núi,…

Về điệu bộ: điệu bộ diễn tả cũng có hàng chục kiểu cách khác nhau. Như nghệ sỹ bước ra sân khấu phải ra cửa sanh (cửa trái) vào cửa tử (cửa phải). Lúc hát hoặc lúc quỳ lạy không đưa lưng vào khán giả. Dáng đứng, dáng đi, lúc xoay mình, quỳ gối, lên ngựa, té ngựa… phải cách điệu.

Về hóa trang, tùy theo tính cách nhân vật mà có cách hóa trang khác nhau. Màu sắc hóa trang trên khuôn mặt diễn viên thể hiện tính tình nhân vật. Minh quân mặt trắng hồng, râu dài. Hôn quân thì mặt xanh, mặt rằn, rau rìa. Trung thần mặt trắng hồng, ít hóa trang. Gian thần mặt mốc, xám… Võ tướng mặt đỏ hoặc mặt đen. Cũng có trường hợp quan võ phải để mặt trắng, chỉ điểm chút son phấn. Yêu tinh, tướng nịnh, đào (nữ tướng) cũng có cách thể hiện riêng.

Dàn nhạc hát bội giống như dàn nhạc lễ gồm đờn cò, đờn gáo, đờn kìm, sến,…; kèn thau, kèn nộc, chiêng, chập chỏa, đàn đường, tiêu, sáo…: quan trọng nhất là trống, có tất cả sáu loại trống: trống chiến, trống cái, trống bắc cấu, trống lệnh, trống cơm, trống chầu.

Nỗ lực kéo khán giả đến gần hơn

Nghệ thuật hát bội vốn mang tính ước lệ cao nên để đưa hát bội đến gần với công chúng là không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh nhiều loại hình giải trí hiện đại phát triển rầm rộ.

Theo ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh, để bảo tồn nghệ thuật hát bội, nhà hát đã tổ chức thường xuyên chương trình "Đưa hát bội đến gần với giới trẻ" thông qua chương trình sân khấu học đường.

Nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh diễn trích đoạn vở Ngọc Kỳ Lân dự yến. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Từ năm 2002 đến nay, nhà hát đã kết nối và biểu diễn phục vụ tại khá nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhưng để đạt hiệu quả cao thì khó vì các chương trình mới chỉ dừng lại ở việc thỉnh thoảng biểu diễn 1-2 trích đoạn tiêu biểu tại các trường học.

Nhà hát nghệ thuật hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn duy trì các suất diễn tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) và Thảo Cầm Viên (Quận 1)… vào mỗi cuối tuần.

Trước buổi biểu diễn, đơn vị thường tổ chức giao lưu về cách thức hóa trang nhân vật, trình diễn nhạc cụ dân tộc… để khán giả có thể tìm hiểu và yêu thích hơn loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Hòa Bình - nguyên Giám đốc nhà hát tuồng Đào Tấn - khẳng định: “Cần có những chính sách, cơ chế đặc thù cho ngành nghệ thuật truyền thống (trong đó có nghệ thuật tuồng) về tiền lương, chế độ đãi ngộ phù hợp. Đồng thời, có cơ chế mở cho ngành nghệ thuật truyền thống đặc thù về bằng cấp, biên chế… tạo điều kiện thuận lợi trong khâu tuyển chọn người có năng khiếu nghệ thuật đến với tuồng.”

Điều đáng mừng là gần đây, nhiều nghệ sỹ, người yêu hát bội tại Thành phố Hồ Chí Minh đang chung tay nỗ lực từng bước đưa loại hình này đến gần hơn với công chúng.

Ngày 19 và 20/7, các sinh viên thuộc Khoa Quản trị truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến ra mắt phim ngắn về hát bội có tên “Trăm năm một cõi” quy tụ của những nghệ sỹ nổi tiếng trong lĩnh vực hát bội như Nghệ sỹ Bảo Châu, Hoàng Tuấn, diễn viên Trịnh Tấn, Ngọc Quyên... cùng sự phối hợp của Nhà hát nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, nhóm sinh viên này đã tổ chức Triển lãm gồm những sản phẩm về nghệ thuật hát bội trong chuỗi dự án “Se sợi kết tâm.”

Bạn Nguyễn Hữu Trường, Trưởng dự án “Se sợi kết tâm,” chia sẻ: “Khi được tìm hiểu tài liệu, được nghe những nghệ nhân lão làng kể về hát bội và những khó khăn khi không còn nhiều người muốn duy trì loại hình nghệ thuật này, nhóm đã ấp ủ ý định thực hiện dự án quảng bá, nhằm thay đổi nhận thức của người trẻ. Từ đó, dần hình thành mối quan tâm và động lực để các bạn theo đuổi dự án."

Từng đồng hành với các sinh viên trong Chương trình hát bội với chủ đề “Giữ lửa ngàn năm,” Nghệ sỹ Ưu tú Ngọc Khanh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, hát bội cũng như một số loại âm nhạc cổ truyền khác đang rơi vào tình trạng mai một vì không còn nhiều người theo đuổi, truyền bá và gìn giữ.

Tuy nhiên, những bạn trẻ tâm huyết, nhiệt thành đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng. Điều này cho thấy, nhiều người trẻ không hề quay lưng lại với loại hình nghệ thuật truyền thống. Với họ, nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ cháy, nếu được khơi gợi sẽ phát triển không ngừng và được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục