Lợi suất trái phiếu Eurozone chạm mức cao kỷ lục mới trong phiên 27/9

Lợi suất trái phiếu chính phủ Eurozone tăng từ 2 đến 5 điểm cơ bản ở các thị trường, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức đã có lúc giao dịch ở mức cao nhất gần 11 năm mới là 2,142%.
Biểu tượng đồng euro phía trước trụ sở ECB tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lợi suất trái phiếu chính phủ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao mới của nhiều năm trong phiên 27/9 trong bối cảnh nhà đầu tư xác định sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa và tác động từ “ngân sách nhỏ” của Vương quốc Anh tiếp tục ảnh hưởng đến các thị trường tài chính.

Vào đầu phiên giao dịch tại châu Âu, lợi suất trái phiếu chính phủ Eurozone đã tăng từ 2 đến 5 điểm cơ bản ở hầu hết các thị trường, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức đã có lúc giao dịch ở mức cao nhất gần 11 năm mới là 2,142%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Italy kỳ hạn 10 năm đã tăng 8 điểm cơ bản lên mức 4,6% sau khi đã có lúc tăng lên 4,7%, theo sau những biến động mạnh phiên 26/9 sau khi liên minh cực hữu thắng thế tại cuộc bầu cử hôm 25/9.

[Eurostat: Lạm phát ở Liên minh châu Âu tăng lên mức kỷ lục]

Bà Giorgia Meloni dường như sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy kể từ Thế chiến thứ II, gánh trên vai “núi nợ khổng lồ” trong khu vực Eurozone tại thời điểm lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Các thành viên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu trong ngày 27/9 có cuộc thảo luận sau khi tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hồi đầu tháng này.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/9 cũng lưu ý về chính sách thắt chặt tiền tệ, trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là kiểm soát lạm phát trong nước, ngay cả khi biến động trên thị trường gia tăng.

Mức chênh lệch, được theo dõi chặt chẽ, giữa lợi suất trái phiếu của Italy và Đức ngày càng nới rộng lên mức cao nhất là 265 điểm cơ bản vào đầu phiên trước khi giảm xuống dưới 250 điểm cơ bản, vẫn là mức cao nhất kể từ tháng 7/2022.

Các thị trường sẽ theo dõi sát sao việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ xử lý thế nào với trái phiếu Italy.

Ngày 26/9, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng này sẽ không dùng đến kế hoạch khẩn cấp mới nhất của mình để mua trái phiếu của các quốc gia mắc "lỗi chính sách", trước câu hỏi về chính phủ tiếp theo của Italy.

Các nhà đầu tư cũng đang trong trạng thái lo lắng sau đợt bán tháo mạnh trái phiếu Chính phủ Anh, do một loạt các đợt cắt giảm thuế mà Chính phủ Anh công bố ngày 23/9.

Triển vọng có hàng chục tỷ bảng Anh trong các thị trường vay mượn khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục