Lựa chọn của nước Nga trước xu hướng kinh tế "thế kỷ châu Á"

Theo Viện McKinsey Global Institute, tính đến tháng 9/2019, thị phần của châu Á trong thương mại thế giới là 33%, trong đầu tư là 23%, sở hữu bằng sáng chế là 65%, vận chuyển container chiếm 62%.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 19/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang tin của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây đăng bài bình luận của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga Alexander Yakovenko, Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, trong đó đánh giá những cơ hội và tiềm năng to lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối với Nga. Nội dung chính của bài viết như sau:

Trong các cuộc thảo luận công khai về chính sách đối ngoại của nước Nga, bao gồm cả những chương trình trên truyền hình, hầu như người ta mới chỉ tập trung vào các vấn đề trong quan hệ của Nga với Mỹ và EU cũng như tình hình trên không gian hậu Xôviết.

Dù đây là những những vấn đề gay gắt nhất của Nga với những "người hàng xóm" có mối quan hệ chặt chẽ, nhưng điều đó lại vẽ ra một bức tranh không đầy đủ về hệ thống ngoại giao Nga, với nguyên tắc cơ bản của ngoại giao là đa hướng.

Mặc dù khu vực Đông Á, không gian châu Á-Thái Bình Dương có vẻ ít "ồn ào" và ít thu hút sự chú ý hơn, nhưng đây chính là một trong những lợi thế: có sự ổn định cả ở bên trong khu vực và cả trên lĩnh vực quan hệ quốc tế.

Các quốc gia trong khu vực đã học cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với nhau trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng. Các quốc gia ASEAN đặt ra các nguyên tắc, đóng vai trò quan trọng mang tính cấu thành hệ thống trong các dự án của khu vực, thể hiện văn hóa chính trị của mình, dẫn dắt công việc theo cách riêng của ASEAN.

Sau một thế kỷ rưỡi thống trị của phương Tây trong nền kinh tế toàn cầu, vai trò đầu tàu đang quay trở lại châu Á. Một môi trường cạnh tranh cao được tạo ra giữa phương Tây và phương Đông, mặc dù dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã theo đuổi đường lối phi toàn cầu hóa và khôi phục cơ chế giám sát các mặt hàng xuất khẩu chiến lược từng có thời Chiến tranh Lạnh để duy trì ảo tưởng về ưu thế công nghệ và cô lập Trung Quốc, coi nước này là "thách thức địa chính trị chính" của Mỹ. Trong đó, các định đề địa chiến lược và ý thức hệ của thời đại trước đây tiếp tục đóng vai trò là nguồn gốc chính gây căng thẳng trong khu vực rộng lớn này.

[Chuyên gia EIU: Mỹ vẫn giàu hơn Trung Quốc trong 50 năm tới]

Tất nhiên, châu Á cũng có những vấn đề riêng, bao gồm xung đột lãnh thổ. Tuy nhiên, những vấn đề này không tạo ra căng thẳng mang tính toàn cầu, nếu không bị nhìn nhận như kiểu một "trò chơi lớn" của thế kỷ XIX.

Không cần giấu diếm, Washington là "nhân vật chính" ở đây, họ dựa vào các liên minh cũ của mình và cố gắng tái tạo chính sách kiềm chế trong khu vực, thông qua việc tạo ra các nền tảng đối thoại khép kín, chẳng hạn như Bộ tứ Ấn Độ-Thái Bình Dương (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản). Nhưng một "chiến lược lớn" kiểu như vậy sẽ không có triển vọng, bởi ít nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương có một môi trường đa cực đan xen nhau, là đặc trưng cho thế giới ngày nay.

Hiện nay, có ít nhất bốn cực như vậy ở khu vực này, bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, còn là Ấn Độ và Liên bang Nga, quốc gia đóng vai trò cân bằng quan trọng và đang hợp tác với cả Bắc Kinh lẫn New Delhi theo định dạng tam giác chiến lược Nga-Trung Quốc-Ấn Độ (RIC), cũng như trong khuôn khổ BRICS và các kênh song phương.

Trong những thập kỷ qua, tiếng nói của các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á trong hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng gia tăng. Hơn một nửa dân số thế giới tập trung ở đây. Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua tương đương (dự báo đến năm 2028, nền kinh tế này có thể đứng đầu thế giới về GDP danh nghĩa), Ấn Độ có thể trở thành nước thứ ba (sau Mỹ) về GDP tính theo sức mua tương đương vào năm 2023.

Tính tổng cộng, châu Á chiếm 38% GDP thế giới. Theo Viện McKinsey Global Institute, tính đến tháng 9/2019, thị phần của châu Á trong thương mại thế giới là 33%, trong đầu tư là 23%, trong sở hữu bằng sáng chế là 65%, vận chuyển container chiếm 62%, sản xuất năng lượng là 29% và tiêu thụ năng lượng chiếm 43% của thế giới.

Bên cạnh đó, phương Đông cũng đang tiến gần hơn với phương Tây xét về GDP bình quân đầu người. Tỷ lệ GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đang tương đương 30% của Mỹ (tính theo sức mua tương đương) và 44% của EU; trong khi GDP bình quân đầu người của Ấn Độ đã bằng 20% so với EU.

Tỷ trọng xuất khẩu trong GDP của Trung Quốc đã giảm từ 16% xuống 8% trong giai đoạn 2007-2018. Một quá trình tương tự đang diễn ra ở Ấn Độ. Hiện một nửa tầng lớp trung lưu toàn cầu đang sống ở đây, trong khi tầng lớp này ở phương Tây đã sụp đổ trong những thập kỷ gần đây, do kết quả của toàn cầu hóa thị trường.

Xu hướng này phản ánh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra, cùng sự gia tăng năng suất lao động và sự phát triển năng động của các tập đoàn lớn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại cuộc họp gần đây của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) rằng: "Châu lục này hiện là trung tâm của hoạt động kinh tế toàn cầu, trở thành động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế trên thế giới. Thật vậy, như nhiều người nói, chúng ta đang sống trong thế kỷ châu Á."

Điều quan trọng không kém là thương mại nội vùng đang phát triển, bao gồm các chuỗi sản xuất, và trọng tâm là tăng trưởng tiêu dùng nội địa (đã chiếm khoảng 40% toàn cầu). Sự thành công của quá trình khu vực hóa, đóng vai trò là nhân tố mạnh mẽ trong việc đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển của các quốc gia này, được minh chứng qua các con số như thương mại khu vực chiếm 60% tổng thương mại quốc tế, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (start-up) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm lần lượt 71% và 59%, 74% số hành khách quốc tế đi du lịch đến các nước trong khu vực.

Người dân bán thực phẩm tại chợ ở Daegu, Hàn Quốc ngày 30/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhìn chung, khả năng "tự cung tự cấp" ngày càng tăng, trong khi tính bổ sung cho nhau của các nền kinh tế đang kích thích quá trình hội nhập và hình thành các mạng lưới kinh tế mạnh mẽ. Đồng thời, châu Á đang bắt kịp phương Tây về các thông số như tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, khiến những quốc gia này trở thành đối tác không thể thiếu trong việc chống lại các mối đe dọa và thách thức toàn cầu.

Có thể kết luận rằng, chúng ta đang chứng kiến sự hội tụ lịch sử giữa Đông và Tây. Hơn nữa, quá trình này ở cấp độ khu vực và toàn cầu không tạo ra xung đột nhờ sự khác biệt về văn hóa, không giống như sự trỗi dậy lịch sử của phương Tây trong hai thế kỷ trước.

Khác với Mỹ và EU, khu vực châu Á-Thái Bình Dương phần lớn đã có thể kiểm soát được đại dịch COVID-19 và hiện đang tìm cách khôi phục kinh tế càng sớm càng tốt. Một bước quan trọng là việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020 giữa 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand).

Trong bối cảnh đó, việc phê chuẩn văn kiện (sẽ mất 2 năm) sẽ dẫn đến việc hình thành khu thương mại tự do lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã đánh giá sự kiện này như một "chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do." Mối quan hệ đối tác này sẽ tạo cơ hội cho Bắc Kinh tăng cường quan hệ với nhiều nước láng giềng và bắt đầu việc giải quyết các xung đột hiện có.

Hiệp định RCEP cũng bao gồm các điều khoản về sở hữu trí tuệ, viễn thông, dịch vụ tài chính và thương mại điện tử. Không giống như EU, các bên tham gia RCEP không đặt ra các tiêu chuẩn thống nhất về lao động và môi trường, cũng như không bắt buộc các quốc gia thành viên phải mở cửa các khu vực nhạy cảm trong nền kinh tế của họ.

Nhờ các quy tắc linh hoạt này, thỏa thuận đồng thời đáp ứng lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực-từ Myanmar, Việt Nam cho đến Singapore và Australia. Theo Jeffrey Wilson, Giám đốc Trung tâm Perth USAsia, RCEP hứa hẹn sẽ là "nền tảng quan trọng cho sự phục hồi của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau đại dịch COVID -19."

Trong khi đó, Ấn Độ đã tham gia tích cực vào việc soạn thảo RCEP, vì vậy cánh cửa hợp tác vẫn còn rộng mở đối với họ. Khối kinh tế mới này cũng không bao gồm Mỹ, quốc gia không quan tâm đến RCEP ngay từ giai đoạn thảo luận. Đáng chú ý là các đồng minh của Mỹ đã quyết định ký kết văn kiện này mà không đợi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức.

Trong những năm gần đây, nhiều xu hướng tích cực đang tăng lên ở Đông Á, giữa bối cảnh vai trò của nhân tố sức mạnh trong chính sách an ninh ngày càng giảm, tình hình quân sự-chính trị ngày càng ổn định và dễ dự đoán hơn. Các quốc gia trong khu vực dần thoát khỏi định kiến đối đầu và mất lòng tin lẫn nhau.

Do đó, theo tác giả Alexander Yakovenko, đối với Nga việc biến khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành một đấu trường đối đầu địa chính trị là điều không thể chấp nhận được. Đây cũng là lý do tại sao Nga cần phải tham gia nhiều hơn vào các vấn đề của khu vực này, không thể kém cạnh so với châu Âu.

Chưa kể thực tế là Nga và trước đây là Liên Xô đã từng là một kênh truyền bá văn minh châu Âu sang phương Đông. Nga cũng không đứng sang một bên khi xu hướng phát triển của thế giới hướng về phương Tây. Do vậy, Moskva không thể không là một phần chuyển động của "con lắc" toàn cầu theo hướng ngược lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục