Luật Cảnh sát Biển Việt Nam - công cụ sắc bén trong thực thi pháp luật

Theo Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, thời gian tới, để tiếp tục đưa Luật vào cuộc sống, trực tiếp đến với ngư dân đánh bắt trên biển, Bộ Tư lệnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là địa phương.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 thực hành bắn pháo trên biển. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 1/7/2019, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực.

Luật Cảnh sát Biển Việt Nam gồm 8 Chương, 41 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát Biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát Biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngay sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua, để sớm triển khai thi hành, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển đã kịp thời nghiên cứu, báo cáo Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát Biển Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát Biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023.

Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai thi hành Luật; tổ chức Hội nghị tập huấn toàn quốc Luật Cảnh sát Biển Việt Nam; chỉ đạo toàn quân nói chung và Lực lượng Cảnh sát Biển nói riêng xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1059/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát Biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023. Mục tiêu của đề án là mọi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân nắm được đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; nắm vững những vấn đề cơ bản của Luật Cảnh sát Biển Việt Nam, làm chuyển biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát Biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới.

Tuyên truyền để các quốc gia trên thế giới và trong khu vực hiểu đầy đủ, chính xác hơn về chính sách, pháp luật quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam nói chung, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam nói riêng; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, có trách nhiệm, luôn tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung, hướng tới mục tiêu giữ gìn vùng biển ổn định, hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững…

[Phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát biển]

Để góp phần triển khai hiệu quả Đề án nói trên của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam.”

Cuộc thi nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trên phạm vi cả nước; gắn nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Luật với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, là hoạt động làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân khi thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân trong quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; góp phần động viên, khuyến khích cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài hưởng ứng, tham gia xây dựng, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Nhận xét về hai năm triển khai thi hành Luật Cảnh sát Biển Việt Nam, Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát Biển cho biết sau 2 năm triển khai thi hành Luật, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc cũng như về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát Biển.

Đặc biệt, với nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc là các quy định trong Luật về tổ chức, biên chế, phương tiện, trang bị… của lực lượng, yêu cầu xây dựng Cảnh sát Biển Việt Nam hiện đại theo hướng tinh, gọn, mạnh đã được triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng trong tình hình mới.

Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, phát hiện tàu cá vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, theo Chính ủy Cảnh sát Biển, sau 2 năm triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị Cảnh sát Biển với các đơn vị trong Quân đội cũng như các cơ quan chức năng của các ban, bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật trên biển đã được thực hiện chặt chẽ, có nền nếp và hiệu quả hơn.

Quan hệ đối ngoại giữa Cảnh sát Biển với các lực lượng thực thi pháp luật của các nước ASEAN cũng như các nước có vùng biển giáp ranh được triển khai đúng định hướng, theo đúng quan điểm về đối ngoại quốc phòng gắn với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển được thực hiện hiệu quả và tiếp tục tạo được niềm tin vững chắc của ngư dân trên biển.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đưa Luật Cảnh sát Biển Việt Nam vào cuộc sống, trực tiếp đến với bà con ngư dân đánh bắt trên biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua những buổi tuyên truyền tập trung ở các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng và các địa bàn từ cấp xã, phường, nhất là ở các địa phương ven biển. Từ đó, để người dân thêm hiểu biết về công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển đảo, sẵn sàng chung sức, chung lòng với Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể thấy, Việt Nam là một quốc gia ven biển, với diện tích trên 1 triệu km2, gần 3.000 đảo, quần đảo; bờ biển có chiều dài hơn 3.260km, trải dài qua 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó nhiều tỉnh, thành phố có hệ thống cảng biển, các khu kinh tế, du lịch ven biển là cửa ngõ, đầu mối giao thương về kinh tế, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.

Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, nhất là việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo, buôn lậu, cướp biển, vi phạm lãnh hải trong khai thác thủy sản, hải sản… và xu thế hội nhập quốc tế, Luật Cảnh sát Biển thực sự là công cụ sắc bén, cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát Biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục