Lực lượng an ninh Myanmar tiêu diệt thêm nhiều tay súng

Các tay súng bị tiêu diệt trong lúc vừa tháo chạy tới khu vực phía Tây làng Kyetyoepin vừa tấn công đáp trả do quân đội truy đuổi ráo riết.
Lực lượng quân đội Myanmar. (Nguồn: AP)

Ngày 13/10, quân đội Myanmar thông báo đã tiêu diệt thêm 10 tay súng sau vụ tấn công tại thị trấn Maungtaw thuộc bang Rakhine, miền Tây nước này.

Thông báo chính thức cho biết, các tay súng trên bị tiêu diệt trong lúc vừa tháo chạy tới khu vực phía Tây làng Kyetyoepin vừa tấn công đáp trả do quân đội truy đuổi ráo riết. Cùng ngày, khoảng 5 tay súng đã tấn công trụ sở của chốt biên phòng số 1 gần làng Kyikanpyin thuộc thị trấn Maungtaw và phóng hỏa 25 ngôi nhà tại làng Warpaik trước khi rút theo hướng Đông Nam.

Trong hai ngày qua, 4 binh sỹ và 1 đối tượng tấn công đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa quân chính phủ và 300 phần tử có vũ trang tại làng Pyaungpit, gần thị trấn Maungtaw. Trong khi truy quét ở 3 làng khác, quân đội cũng phát hiện 7 thi thể cùng với vũ khí và bắt sống 4 kẻ tấn công. Các đối tượng này hiện đang bị thẩm vấn.

Trong một tuyên bố, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Vijay Nambiar bày tỏ quan ngại về các vụ giao tranh gần đây tại bang Rakhine. Ông kêu gọi các cộng đồng dân cư và tôn giáo kiềm chế, đồng thời hối thúc các lãnh đạo Myanmar tích cực làm việc để ngăn chặn sự kích động hận thù giữa cộng đồng người Hồi giáo và Phật giáo tại đây. Trong khi đó, Liên minh châu Âu kêu gọi tiến hành điều tra sự việc trên “theo đúng luật định."

Trước đó, ít nhất 9 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng, 5 người bị thương và một người mất tích ngày 9/10 khi các tay súng tấn công đồng loạt vào 3 đồn cảnh sát biên phòng ở Maungtaw, Rathedaung và Ngakhuya. Trong vụ tấn công này, 8 tay súng bị tiêu diệt và 2 tên bị bắt sống. Từ ngày 9/10, nhà chức trách áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau tại Maungtaw, theo đó cấm tụ tập đông người. Tổng cộng 390 trường học tại thị trấn Maungtaw và khu vực lân cận buộc phải đóng cửa.

Giới chức cáo buộc thủ phạm của các vụ tấn công trên thuộc lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang nhỏ người Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục