Lý do Ấn Độ nên coi châu Âu là một đối tác chiến lược có giá trị

Châu Âu - với sức mạnh kinh tế, sức mạnh công nghệ và sức mạnh quy chuẩn lớn hơn nhiều - là nhân tố hứa hẹn sẽ thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm vị thế của Ấn Độ trong một thế giới đa cực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: mediaindia.eu)

Tờ The Indian Express mới đây đăng bài viết của nhà bình luận chính trị hàng đầu Ấn Độ Raja Mohan với tựa đề “Lý do Delhi nên coi châu Âu là một đối tác chiến lược có giá trị” nội dung như sau:

Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp giữa Thủ tướng Đan Mạnh Mette Frederiksen và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Delhi hồi tuần trước là một sự kiện quan trọng đối với Ấn Độ bởi châu Âu có sự hiện diện rất lớn trong chiến lược ngoại giao của Ấn Độ ngày nay.

Các quốc gia châu Âu nhỏ hơn đang thu hút sự chú ý chính trị chưa từng có từ Delhi. Nếu cuộc gặp Frederiksen-Modi làm nổi bật tiềm năng lớn của mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia nhỏ tại châu Âu, thì triển vọng hợp tác chiến lược lớn hơn giữa Ấn Độ với toàn châu Âu cũng đã được mở ra khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố rõ ràng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng trước.

Việc Đan Mạch, một quốc gia chỉ có gần 6 triệu dân, có thể thiết lập quan hệ đối tác quan trọng với Ấn Độ, là một lời nhắc nhở rằng các quốc gia nhỏ tại châu Âu có nhiều thứ để hợp tác trong quá trình Ấn Độ chuyển đổi kinh tế, công nghệ và xã hội.

Luxembourg nhỏ bé mang lại sức ảnh hưởng lớn về tài chính; Na Uy cung cấp các công nghệ hàng hải ấn tượng; Estonia là một cường quốc mạng; Cộng hòa Séc có thế mạnh về quang điện tử; Bồ Đào Nha là cánh cửa mở ra thế giới cho cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha; Slovenia cung cấp khả năng tiếp cận thương mại đến trung tâm châu Âu thông qua cảng biển Adriatic tại Koper.

Việc Ấn Độ bắt đầu nhận ra tiềm năng chưa được khai thác này đã mang lại những cơ hội mới cho sự hợp tác của Ấn Độ với 27 quốc gia EU.

[Ấn Độ-EU tham vấn an ninh, đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương]

Việc chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU ít được dư luận Ấn Độ chú ý phần nào xuất phát từ sự thờ ơ cố hữu của giới hoạch định chính sách đối ngoại Ấn Độ đối với châu Âu.

Chắc chắn, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của châu Âu đã bị lu mờ khi được đưa ra trùng với thời điểm ra đời của thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ và Anh chế tạo cho Australia sẽ không đi trên vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều năm tới, nhưng điều đó đã tạo ra sự phấn khích ở Delhi.

Trong khi đó, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU, dù không được chú ý ở Delhi, lại có thể sẽ tác động nhiều đến khu vực một cách tức thì và trên phạm vi rộng hơn là an ninh quân sự. Chúng bao gồm từ thương mại và đầu tư đến quan hệ đối tác xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng đến quan hệ đối tác kỹ thuật số, từ tăng cường quản trị đại dương đến thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới.

Quốc phòng và an ninh là những yếu tố quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU nhằm “thúc đẩy một cấu trúc an ninh khu vực mở và dựa trên các quy tắc, bao gồm các tuyến đường liên lạc an toàn trên biển, xây dựng năng lực và tăng cường hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Lần đầu tiên kể từ khi các đế quốc châu Âu rút khỏi châu Á trong bối cảnh phong trào chủ nghĩa dân tộc gia tăng vào giữa thế kỷ XX, châu Âu đang trở lại với tư cách là một tác nhân địa chính trị đối với châu Á và vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng là trong một bối cảnh rất khác. Rất ít quốc gia châu Á nhìn châu Âu với sự hoài nghi chiến lược.

Nhiều người ở châu Á còn coi châu Âu là một đối tác có giá trị. Một cuộc khảo sát đầu năm nay, mà đối tượng được khảo sát là các nhà hoạch định chính sách khu vực ASEAN, cho thấy EU là đối tác đáng tin cậy thứ hai trong khu vực, chỉ sau Nhật Bản, và đứng trước Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang tụt hạng trong danh sách này.

Trong bối cảnh cuộc đối đầu Mỹ-Trung leo thang, gây tác động đến Đông Nam Á, châu Âu được coi là đang mở rộng các lựa chọn chiến lược cho khu vực. Quan điểm tương tự cũng đang xuất hiện ở Delhi, nơi coi Brussels là một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng một thế giới đa cực.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nói rằng “chiến lược của Ấn Độ là hợp tác với Mỹ, kiểm soát Trung Quốc, vun đắp châu Âu, trấn an Nga, lôi kéo Nhật Bản vào cuộc”. Đối với giới hoạch định chính sách đối ngoại hiện nay của Ấn Độ, mệnh lệnh “vun đắp châu Âu” chắc chắn là mới.

Chiến tranh Lạnh, vốn chia cắt châu Âu thành hai miền Đông và Tây, đã bóp méo quan điểm của Ấn Độ về khu vực. Sau khi giành độc lập, Ấn Độ coi Tây Âu là phần mở rộng của Mỹ và nhìn Đông Âu qua con mắt của Moskva. Khi châu Âu táo bạo thử nghiệm xây dựng một liên minh vào những năm 1990, Delhi đã đưa ra một loạt ưu tiên ngoại giao khác: cứu vãn mối quan hệ với nước Nga thời hậu Xô Viết, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, kết nối với Mỹ và kiểm soát mối quan hệ rắc rối hơn với một Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân.

Điều này khiến cho Delhi không còn nhiều không gian để xây dựng một chiến lược về châu Âu. Khi được yêu cầu giải thích nhận xét về chiến lược "vun đắp châu Âu", tại Diễn đàn Chiến lược Bled ở Slovenia tháng trước, ông Jaishankar thừa nhận Delhi trong quá khứ đã không dành sự quan tâm đúng mức cho Brussels. Ông nói thêm rằng Delhi hiện tập trung vào việc phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ với Brussels.

Năm 2018, EU đã vạch ra chiến lược cho Ấn Độ, tập trung vào 4 chủ đề - hiện đại hóa kinh tế bền vững, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, phối hợp chính sách đối ngoại và hợp tác an ninh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bồ Đào Nha hồi tháng 5/2020, EU và Ấn Độ đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại tự do và phát triển quan hệ đối tác kết nối mới nhằm mở rộng các lựa chọn cho thế giới, chứ không nên chỉ tập trung vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Trên hết, cả Delhi và Brussels đều công nhận rằng quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-EU là rất quan trọng đối với việc tái cân bằng hệ thống quốc tế trong bối cảnh xu thế toàn cầu hiện nay.

Sự kêu gọi ở châu Âu về “quyền tự chủ chiến lược” chắc chắn đã tăng lên sau khi AUKUS đẩy Pháp ra khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Australia. Washington đã nhanh chóng xây dựng lại lòng tin với Paris.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định “tầm quan trọng chiến lược của sự can dự của Pháp và châu Âu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố gần đây của Liên minh châu Âu.”

Dù trong hoàn cảnh cụ thể của thỏa thuận AUKUS và tác động đối với Pháp, Mỹ mong muốn tất cả các đối tác, đặc biệt là châu Âu, đóng góp tích cực vào việc thiết lập lại cán cân quyền lực châu Á. Về phần mình, chiến lược của EU cho thấy cơ hội hợp tác với Nhóm Bộ tứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác an ninh với một số đối tác châu Á, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam.

Một châu Âu mạnh hơn với vai trò địa chính trị lớn hơn là điều rất đáng hoan nghênh ở Delhi. Ấn Độ ý thức rằng châu Âu không thể sánh với sức mạnh quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng có thể giúp tăng cường cán cân quân sự và đóng góp vào an ninh khu vực theo nhiều cách khác nhau.

Delhi biết rằng châu Âu có thể thúc đẩy đáng kể năng lực của Ấn Độ trong việc tác động đến tương lai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Châu Âu cũng sẽ là sự bổ sung có giá trị cho Bộ tứ (gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ).

Sau Chiến tranh Lạnh, Nga là nước xác định vị thế của Ấn Độ trong thế giới đa cực. Ngày nay, chính châu Âu - với sức mạnh kinh tế, sức mạnh công nghệ và sức mạnh quy chuẩn lớn hơn nhiều - là nhân tố hứa hẹn sẽ thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm vị thế của Ấn Độ trong một thế giới đa cực và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được tái cân bằng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục