Lý do Mỹ nên ký kết thỏa thuận tạm thời với Triều Tiên

Loại thỏa thuận tạm thời này có thể không đủ để đảm bảo một Giải thưởng Nobel, nhưng nó làm giảm đáng kể rủi ro chiến tranh và mối nguy hạt nhân.
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 31/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, Mùa Giáng sinh qua đi nhưng vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu nào về “món quà” dành cho Mỹ mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hứa hẹn trao tặng.

Tuy nhiên, thay vì tin tưởng vào sự may mắn khi Triều Tiên không tặng quà, Washington nên đề xuất một thỏa thuận tạm thời để phục vụ lợi ích của mỗi quốc gia.

Nền kinh tế Triều Tiên vẫn trong tình trạng suy thoái, phần lớn là do kết quả của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt sau khi Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân hồi 3 năm trước.

Theo ước tính của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, mức suy thoái hàng năm của Triều Tiên lên đến 4%, bất chấp cả việc những nước như Trung Quốc và Nga không thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt.

Đầu năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như ngay lập tức rời khỏi hội nghị thượng đỉnh thứ hai với ông Kim Jong-un khi nhà độc tài này yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc đóng cửa cơ sở sản xuất hạt nhân chính của Triều Tiên, nhưng không từ bỏ bất kỳ đầu đạn hạt nhân nào, vốn có thể lên tới hàng chục.

[Mỹ hoài nghi nhà lãnh đạo Triều Tiên phá vỡ cam kết phi hạt nhân hóa]

Ông Trump và ông Kim Jong-un đã duy trì một “vỏ bọc” ấm áp trong quan hệ cá nhân kể từ đó, và gặp nhau trong thời gian ngắn ở khu phi quân sự Hàn Quốc-Triều Tiên mùa Xuân năm 2019, nhưng các cuộc đàm phán chính thức vẫn chẳng đi đến đâu.

Ông Trump coi ngoại giao tổng thể với ông Kim Jong-un là một thành công lớn. Mặc dù lệnh ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa trong hai năm của Triều Tiên tạo ra một giá trị nào đó, song thật khó để duy trì giá trị này bởi các vụ thử tên lửa khác vẫn diễn ra, và bởi kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển.

Điều tồi tệ hơn có thể vẫn chưa diễn ra, chẳng hạn như một vụ thử hạt nhân, hoặc một vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nữa, có lẽ là dưới chiêu bài đưa vệ tinh lên quỹ đạo hoặc thậm chí là một cuộc tấn công nguy hiểm đến tính mạng nhắm vào người dân Hàn Quốc vô tội.

Trong khi đó, chính quyền Trump dường như không chắc chắn về cách thức bắt đầu. Ngay cả sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từ chức, các phe phái cứng rắn vẫn kiên quyết đòi giải trừ hạt nhân hoàn toàn, không thể đảo ngược, có thể kiểm chứng và nhanh chóng.

Điều này có nghĩa là loại bỏ các đầu đạn và cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, chỉ khi đó các lệnh trừng phạt mới được dỡ bỏ. Ông Trump đã tuyên bố rằng Mỹ sau đó sẽ giúp Triều Tiên xây dựng một nền kinh tế hiện đại, nhưng mục tiêu như vậy là một viễn cảnh khá hão huyền.

Nếu ông Kim Jong-un lo sợ việc ông Trump phát động một cuộc tấn công quân sự vì sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán, ông có lẽ còn lo sợ hơn nữa khi phải đối mặt với Mỹ và Hàn Quốc mà không sở hữu bom.

Các học giả như Jonathan Pollack và Jung Pak cũng đã ghi nhận tầm quan trọng của chương trình hạt nhân Triều Tiên đối với toàn bộ triều đại nhà Kim.

Những đầu đạn này, theo nghĩa đen, hoàn toàn là những viên ngọc quý của chế độ Triều Tiên. Nếu Kim Jong-un trẻ tuổi từ bỏ chúng một cách dễ dàng, ông sẽ phản bội di sản của gia đình mình.

Các phe phái khác trong chính quyền Trump có vẻ thực dụng hơn về cách hình dung một thỏa thuận. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết “Triều Tiên chẳng cần phải làm gì trước khi chúng ta hành động.”

Tuy nhiên, những chi tiết cụ thể của cách tiếp cận linh hoạt hơn như vậy vẫn chưa rõ ràng. Khi một năm mới bắt đầu, đã đến lúc Washington quyết định chiến lược. Điều này đặt ông Trump vào một tình thế khó khăn.

Chẳng có tổng thống nào nghĩ rằng việc thừa nhận năng lực hạt nhân của Triều Tiên là điều có thể chấp nhận được. Việc ông Trump liên tục chống lại thỏa thuận hạt nhân Iran cũng gây khó khăn cho việc khoe khoang về bất kỳ thỏa thuận nào với ông Kim Jong-un mà không thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Tuy nhiên, vẫn còn một hướng đi hợp lý. Mỹ, cùng với Hàn Quốc và các quốc gia khác, nên đồng ý đình chỉ sau đó dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, vốn nhằm để phá vỡ nền thương mại của Triều Tiên.

Các biện pháp trừng phạt này đã gây ra thiệt hại thực sự. Việc giảm nhẹ lệnh trừng phạt sẽ xảy ra khi và chỉ khi Triều Tiên có thể xác minh phá hủy toàn bộ cơ sở sản xuất hạt nhân của mình.

Một thỏa thuận như vậy sẽ vĩnh viễn giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ở quy mô hiện tại. Thỏa thuận cũng sẽ khiến cho việc thử nghiệm tên lửa hạt nhân chính thức và vĩnh viễn chấm dứt.

Biện pháp này cũng sẽ giới hạn chất lượng và độ tinh vi của các tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Triều Tiên có thể vẫn giữ phần lớn đầu đạn của mình cho đến bây giờ và Mỹ, để duy trì đòn bẩy cho các cuộc đàm phán trong tương lai, vẫn nên duy trì các biện pháp trừng phạt của riêng Mỹ.

Hầu hết thương mại và viện trợ của Mỹ cho Ngân hàng Thế giới (WB) và sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và có lẽ là cả sự hỗ trợ của Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU) đều sẽ bị kìm lại.

Cho dù một thỏa thuận thứ hai nhằm đạt được việc giải trừ quân bị thực sự có xảy ra sớm hay không, các tham số của thỏa thuận như vậy sẽ đạt được các giới hạn quan trọng đối với khả năng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên mà không một tổng thống nào trước đó có thể thiết lập.

Một tuyên bố về việc chấm dứt tình trạng chiến tranh chính thức, vốn đã xuất hiện trên Bán đảo kể từ những năm 1950, và việc mở văn phòng liên lạc giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ, cũng là điều cần thiết.

Với một thỏa thuận như vậy, thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm vì mối đe dọa chiến tranh sẽ lùi xa hơn. Các cường quốc bên ngoài sau đó có thể tìm cách dần dần để Triều Tiên loại bỏ những khía cạnh còn lại của hệ thống chủ nghĩa Stalin.

Loại thỏa thuận tạm thời này có thể không đủ để đảm bảo một Giải thưởng Nobel, nhưng nó làm giảm đáng kể rủi ro chiến tranh và mối nguy hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục