Mạng xã hội và người sử dụng thông thái, biết 'gạn đục khơi trong'

Mạng xã hội có nhiều lợi ích không thể phủ nhận nhưng cũng gây ra nhiều tác hại và hệ lụy, đòi hỏi chúng ta phải là những người sử dụng thông thái, biết "gạn đục, khơi trong."
Ảnh minh họa. (Nguồn: Inc.com)

Những lùm xùm gần đây trên mạng xã hội ở Việt Nam, dù dính dáng đến pháp luật (bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, bị khởi tố, bắt tạm giam vì lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân) hay thuộc phạm trù đạo đức (việc chia sẻ trên Facebook clip và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh ở Hà Nội), một lần nữa lại đặt ra vấn đề về cách sử dụng thông thái công nghệ 4.0.

Tốt hay xấu là do người dùng

Trong thời đại hiện nay, mạng xã hội đang là xu thế và ngày càng được nhiều người sử dụng, nhất là lớp trẻ. Nhiều mạng xã hội đang hoạt động song đặc tính chung của chúng là người dùng tự cung cấp nội dung, ý tưởng và chia sẻ rộng rãi trên internet.

Mạng xã hội có nhiều lợi ích, trong đó có việc giúp chúng ta nhanh chóng cập nhật tin tức đời sống xã hội; kết nối một cách thuận tiện và không tốn kém các mối quan hệ khi chúng ta không thể gặp gỡ trực tiếp người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác…; nâng cao kỹ năng sống và sự hiểu biết về mọi lĩnh vực; cảnh báo mọi người để tránh được nhiều hiểm họa trong cuộc sống, nâng cao tinh thần cảnh giác; là công cụ tiện lợi và miễn phí để kinh doanh và quảng bá thương hiệu...

Song mạng xã hội cũng gây ra nhiều tác hại và hệ lụy mà nguy hiểm nhất là làm trì trệ các hoạt động sống của con người (ăn, ngủ, nghỉ, làm việc); gây tâm trạng tiêu cực khi chúng ta tiếp nhận nhiều thông tin xấu; lấy mất quá nhiều thời gian khi chúng ta lướt web, chơi game, "chém gió" thiếu kiểm soát; tạo ra nguy cơ tiếp xúc với các nguồn tin lá cải không chính xác, không được kiểm chứng, nhằm mục đích câu "view," câu "like."

Theo một công trình nghiên cứu, 85% người dùng đã truy cập vào mạng xã hội ít nhất một lần mỗi ngày và 70% người thừa nhận rằng họ phải truy cập vào mạng xã hội ngay khi vừa mở điện thoại hoặc máy tính. Có ý kiến cho rằng các mạng xã hội sẽ dễ gây nghiện hơn rượu, bia và ma túy bởi vì chúng có nhiều tính năng, dịch vụ hấp dẫn và hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra, mạng xã hội là nơi hoàn hảo để những người "ngáo" quyền lực thể hiện bản thân. Việc thể hiện bản thân quá đà lại nhận được sự cổ vũ của "cư dân mạng" trong thời gian dài sẽ dẫn đến con người ta lẫn lộn giữa đời thực và thế giới ảo, hoang tưởng về quyền lực, vượt ra khỏi ranh giới đạo đức, có thể phải đối mặt với bản án hình sự.

Việt Nam có đủ pháp luật lẫn quy tắc đạo đức

Có người cho rằng sự nhiễu loạn trên mạng xã hội thời gian gần đây là do Việt Nam còn thiếu pháp luật và các quy định cụ thể, chế tài xử lý nhưng thực tế không hẳn là như vậy.

Ngày 12/6/2018, sau khi được 87% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt ủng hộ, Luật An ninh mạng 2018 được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Luật gồm 7 chương với 43 điều luật quy định chặt chẽ về các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhằm đảm bảo sự an toàn và trật tự của toàn xã hội trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng 2018 có một số điểm nổi bật. Thứ nhất, luật nghiêm cấm đăng tải các thông tin sai sự thật.

Theo Điều 8 của Luật này, các hành vi dưới đây sẽ bị nghiêm cấm trên môi trường mạng: tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

Các hành vi bị cấm còn có thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam vì lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân. (Ảnh công an cung cấp)

Thứ hai, doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam. Điều 26.3 Luật An ninh mạng 2018 yêu cầu doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ; các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam; ngừng cung cấp dịch vụ mạng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Thứ ba, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Điều 29 Luật An ninh mạng 2018 được xem là một quy định rất nhân văn, theo đó, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng; chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

Luật An ninh mạng 2018 bảo vệ 6 quyền con người: quyền sống, quyền tự do cá nhân; quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ; quyền không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín; quyền không bị xâm hại danh dự hay uy tín cá nhân; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của công dân; quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân.

Theo Điều 9 Luật An ninh mạng 2018, người vi phạm luật an ninh mạng thì sẽ tùy theo mức độ, tính chất vi phạm mà bị xử lý theo kỷ luật, hành chính (bồi thường nếu gây thiệt hại) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

[Infographics] Những quy tắc ứng xử chung trên mạng xã hội

Chính phủ cũng đã ra Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Theo Nghị định 15, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân là 100 triệu đồng. Hành vi lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị phạt 50-70 triệu đồng.

Mức phạt 50-70 triệu đồng cũng được áp dụng đối với hành vi cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Về phần mình, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 847/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc ứng xử trên môi trường internet.

Quan trọng là nhận thức của người sử dụng

Trên môi trường mạng xã hội, người dùng có thể giao lưu và chia sẻ thông tin vượt ra ngoài những giới hạn về không gian và thời gian. Tuy nhiên, hiện nay nhiều "cư dân mạng" ở Việt Nam vẫn có thói quen tạo ra và chia sẻ thông tin một cách "hồn nhiên," có phần tự nhiên chủ nghĩa mà không có ý thức rằng mình phải chịu trách nhiệm về thông tin hay sự chia sẻ của bản thân mình.

Mặc dù biết rằng sử dụng mạng xã hội là phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng…, song không phải khi nào người sử dụng mạng xã hội cũng có thể nhận rõ đâu là giới hạn vi phạm.

Có những vấn đề phức tạp, khiến người dùng mạng xã hội thiếu tỉnh táo không biết đâu là được phép, đâu là điều cấm kỵ. Do đó, người sử dụng mạng xã hội phải thực sự chú ý và được trang bị những kiến thức cần thiết để bảo đảm rằng mình sử dụng không gian mạng có trách nhiệm, không vi phạm pháp luật và vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Người sử dụng mạng bình thường đều nhận thức rõ và tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (liên quan đến việc đăng tải, tán phát thông tin chống Nhà nước, phủ nhận vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông tin xúc phạm đến lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…).

Tuy nhiên, trên thực tế, một số người vì thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm, đã bị "sập bẫy" của các đối tượng xấu khi chia sẻ những thông tin bịa đặt ẩn khuất trong các thông tin "có vẻ đúng" hoặc trộn lẫn sự kiện, nhân vật thật với tin giả, hoặc tin thật nhưng kèm với bình luận vu khống liên quan đến lĩnh vực chính trị (đặc biệt là trên YouTube).

Một loại sai phạm phổ biến khi sử dụng mạng xã hội là vi phạm quyền nhân thân, uy tín của cá nhân và tổ chức dưới hình thức vô tình đăng thông tin, hình ảnh của người khác, các tổ chức, mà chưa được họ cho phép.

Lý lẽ bào chữa là thông tin, hình ảnh đăng tải không có gì xấu, vô thường vô phạt hoặc vui vui, mục đích đăng tải, chia sẻ cũng không nhằm bôi nhọ, công kích. Tuy nhiên, trên thực tế những thông tin "vô thưởng vô phạt" đó có thể có tính nhạy cảm đối với bản thân nhân vật hoặc người thân của họ và họ không muốn chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam cũng ít lưu ý tới những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, sở hữu tài sản, thông tin về tài khoản ngân hàng, về tài sản cá nhân của người khác, vô tình chia sẻ các trang web có chứa nội dung quảng cáo cờ bạc hoặc tổ chức đánh bạc trực tuyến trái pháp luật...

Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam cũng không có nhận thức cao về những hành vi vi phạm liên quan đến việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Việc sử dụng không gian mạng hiện nay có nhiều rủi ro như bị tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin… Bản thân người dùng nếu thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết có thể vô tình tiếp tay cho các hành vi kể trên.

Người dùng mạng trẻ thường thiếu cảnh giác khi chia sẻ thông tin vi phạm pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục, lối sống văn minh, tiến bộ… khi được lồng ghép với các thông tin vô thưởng vô phạt như quảng cáo và buôn bán lưới bắt chim, thuốc đánh bắt cá mang tính tận diệt, thuốc kích dục, các trang web về hình thức là hẹn hò nhưng thực chất là hoạt động mại dâm.

Người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao phản xạ phòng vệ trước các vỏ bọc khéo léo ẩn chứa nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm hoặc phân biệt đối xử về giới, tôn giáo, chủng tộc, vùng miền…

Như vậy, luật pháp, các quy định, quy tắc ứng xử về mạng xã hội chỉ phát huy tác dụng khi chúng ta là những người sử dụng thông thái, biết "gạn đục, khơi trong"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục