Ngày 1/6, hàng triệu người dân thủ đô Manila đã đi làm trở lại, trong bối cảnh nhà chức trách Philippines quyết định nới lỏng một trong những lệnh phong tỏa dài nhất thế giới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để phục hồi kinh tế.
Sau gần 3 tháng áp dụng phong tỏa, các phương tiên giao thông công cộng tại Philippines được phép hoạt động trở lại nhưng với quy mô hạn chế, khiến nhiều khách phải xếp hàng đợi trong nhiều giờ.
Philippines đã cho phép phần lớn các doanh nghiệp mở lại hoạt động và người dân có thể rời nhà mà không cần giấy phép.
Tuy nhiên, các trường học, quán bar, nhà hàng vẫn phải đóng cửa. Hiện cả trẻ em và người lớn tuổi ở Philippines vẫn phải ở nhà trừ khi cần ra ngoài mua nhu yếu phẩm.
Philippines đã áp dụng biện pháp phong tỏa trên toàn quốc nhưng ở nhiều cấp độ khách nhau. Thủ đô Manila là nơi áp dụng nghiêm ngặt nhất do là tâm dịch.
Manila đã đóng cửa từ giữa tháng 3 vừa qua, cùng thời gian Pháp và Tây Ban Nha buộc người dân ở nhà.
Tuy nhiên, trong khi các nước này đang dần nới lỏng hạn chế trong những tuần qua, Manila mới chỉ cho phép mới lỏng hoạt động thể dục ngoài trời cách đây 2 tuần.
[Philippines có hơn 18.000 người mắc COVID-19, Malaysia có 57 ca mới]
Các biện pháp phong tỏa của Philippines nằm trong số những biện pháp nghiêm ngặt nhất thế giới, tương tự như ở thành phố Vũ Hán (Wuhan), nơi từng là tâm dịch của Trung Quốc, khiến nền kinh tế nước này đột ngột bị ngưng trệ.
Trước đó, Chính phủ Philippines đã nới lỏng các biện pháp hạn chế tại những thị trấn nhỏ bên ngoài thủ đô Manila.
Theo Bộ Y tế Philippines, trong ngày 1/6, nước này đã ghi nhận thêm 3 ca tử vong và 552 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 18.638 ca và 960 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 3.979 người.
Philippines hiện có số ca nhiễm cao thứ ba và số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Thái Lan, Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 1/6 đã đề xuất áp dụng kỳ nghỉ dài trong tháng 7, nhằm bù đắp cho việc hủy các lễ hội trong Tết Songkran (còn gọi là Lễ hội té nước) vào tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh điều này chỉ khả thi nếu người dân hỗ trợ giảm số ca nhiễm tại Thái Lan xuống mức 1 con số, hay thậm chí là không có ca nhiễm mới nào.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã hoãn kỳ nghỉ Tết Songkran, vốn diễn ra từ ngày 13-15/4, cho đến khi có thông báo mới, do lo ngại rằng việc tụ tập đông người và người dân trở về nhà có thể khiến dịch bệnh nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, việc số ca nhiễm mới và tử vong giảm mạnh, quyết định rút ngắn giờ giới nghiêm và những nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch gần đây của chính phủ đã làm dấy lên hy vọng rằng một kỳ nghỉ dài thay thế cho Tết Songkran sẽ thành hiện thực.
Tại Indonesia, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận thêm 467 ca nhiễm mới và 28 ca tử vong trong ngày 1/6, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại nước này lên lần lượt là 26.940 ca và 1.641 ca. Tính đến ngày 1/6, số bệnh nhân phục hồi tại Indonesia là 7.637 người./.