Mẫu hóa thạch đảo ngược nhận thức về khủng long lông vũ

Mẫu hóa thạch ở Siberia làm đảo ngược nhận thức về khủng long lông vũ

Những mẫu hóa thạch khủng long mới được phát hiện ở Siberia đã hoàn toàn thay đổi nhận thức của các nhà khoa học về loài vật này.
Mẫu hóa thạch khủng long mới được phát hiện ở Siberia. (Nguồn: Reuters)

Những mẫu hóa thạch khủng long mới được phát hiện ở Siberia đã hoàn toàn thay đổi nhận thức của các nhà khoa học về loài vật này.

Các hóa thạch cho thấy khủng long có lông vũ hoặc có khả năng mọc lông vũ, tức là trái ngược hoàn toàn so với những gì thường được biết đến.

 

Những hóa thạch 150 triệu năm tuổi phát hiện ở Siberia (Nga) thuộc về một nhóm khủng long ăn cỏ gọi là omnithischians chiếm tới một nửa số khủng long từng tồn tại trên Trái Đất.

 

Cho tới nay, các bằng chứng hóa thạch về những con khủng long có lông mới chỉ xuất hiện ở Trung Quốc, tới từ hóa thạch của một nhóm những sinh vật gọi là theropod.

 

Những phát hiện này đã được tập hợp thành một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Science hôm 25/7.

 

Tiến sỹ Pascal Godefroit của Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ ở Brussels đã dẫn đầu nghiên cứu này. Ông nói rằng những phát hiện từ hóa thạch là “một sự ngạc nhiên lớn.”

 

“Việc lông vũ được phát hiện trên hai nhóm khủng long khác biệt, theropod ở Trung Quốc và omnithischians ở Nga có nghĩa là tổ tiên chung của hai loài này từng tồn tại cách đây khoảng 220 triệu năm cũng có thể có lông vũ,” tiến sỹ Godefroit chia sẻ.

 

“Thay vì nghĩ về loài khủng long như những sinh vật to lớn, khô khan và dữ tợn với lớp da vảy, rất nhiều trong số chúng có một lớp phủ mềm mại trên da như lông của gà con vậy”, tiến sỹ Maria McNamara thuộc Đại học Cork (Ireland), đồng tác giả nghiên cứu cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục