Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Khoa học hệ thần kinh của Mỹ, não bộ của trẻ sơ sinh có thể bị ảnh hưởng nếu trong thời kỳ mang thai, người mẹ bị nhiễm trùng hay gặp các vấn đề về hệ miễn dịch.
Nghiên cứu trên do một nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi Los Angeles thực hiện.
Các nhà khoa học kết luận rằng mọi yếu tố như sự nhiễm trùng, căng thẳng, đau ốm hay mắc bệnh dị ứng, dẫn đến những phản ứng của hệ miễn dịch ở thai phụ, đều gây ra ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hoạt động não bộ của thai nhi trong ba tháng cuối thai kỳ, còn gọi là tam cá nguyệt thứ ba.
Các chuyên gia đã nghiên cứu thời kỳ mang thai của các thai phụ trẻ bắt đầu từ tháng thứ 4 (tam cá nguyệt thứ 2). Theo đó, trong suốt 3 tháng cuối thai kỳ, các thai phụ được kiểm tra máu để đo mức độ tập trung của hai loại protein IL-6 và CRP. Những phản ứng của hệ miễn dịch khi bị tác động sẽ làm gia tăng hai protein này.
Bên cạnh đó, các thai phụ cũng được theo dõi tim thai để kiểm tra sự phát triển của hệ thần kinh ở thai nhi. Trong khi đó, sau khi ra đời được vài tuần, các bé sẽ được quét cấu trúc não bộ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện sự thay đổi đáng kể của những trẻ sơ sinh này trong giao tiếp khi kiểm tra mối tương quan giữa các vùng đặc biệt của não bộ ở trẻ với độ tăng của hai protein IL-6 và CRP ở người mẹ.
Những vùng đặc biệt của não bộ được biết đến là "mạng nổi" - có nhiệm vụ lọc sự kích thích được truyền lên não bộ và đưa ra phản ứng lại tác động đó.
Theo các nhà nghiên cứu, những nhiễu loạn trong chức năng của "mạng nổi" này có liên quan đến sự phát triển của một số bệnh về tâm thần như chứng tâm thần phân liệt hay bệnh trầm cảm.
Bên cạnh đó, nghiên cứu còn phát hiện mối tương quan giữa mức độ gia tăng các dấu hiệu viêm nhiễm trong máu của người mẹ với những thay đổi trong ngắn hạn và dài hạn của não bộ ở trẻ nhỏ.
Phát hiện này đã cho phép các nhà khoa học tìm ra cách ngăn chặn những tác động đối với não bộ của thai nhi và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của những đứa trẻ này từ khi còn trong bụng mẹ./.