Moody's hạ mức triển vọng nợ của Italy sau kết quả trưng cầu ý dân

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ mức xếp hạng triển vọng tín dụng chính phủ của Italy từ mức "ổn định" xuống mức "tiêu cực" sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp vừa qua tại nước này.
Nhân viên Ủy ban bầu cử Italy tiến hành kiểm phiếu trưng cầu dân ý về Hiến pháp cải cách tại Rome ngày 4/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ mức xếp hạng triển vọng tín dụng chính phủ của Italy từ mức "ổn định" xuống mức "tiêu cực" sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp vừa qua tại nước này.

Trong một tuyên bố ngày 7/12, Moody's cho rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 4/12 đã làm chậm tiến trình cải cách kinh tế và tài khóa của Italy và tăng khả năng nước này phải hoãn lại các kế hoạch cắt giảm nợ, qua đó có thể khiến Italy phải đối mặt với "những cú sốc bất ngờ" trong môi trường kinh tế tăng trưởng ì ạch.

Tuy nhiên Moody's vẫn duy trì xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Italy ở mức trung bình thấp Baa2 đối với các trái phiếu chính phủ dài hạn.

Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 4/12, cử tri Italy đã bác bỏ đề xuất của chính phủ về những sửa đổi hiến pháp mở đường cho các biện pháp cải cách kinh tế.

Việc Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức sau đó càng làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế và tài chính của Italy.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/12, Monte dei Paschi di Siena (BMPS) - một trong những ngân hàng lâu đời nhất thế giới và hiện là ngân hàng lớn thứ ba của Italy - đã phải đề nghị Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thêm thời gian đến nửa cuối tháng 1/2017 để huy động khoản vốn bổ sung trị giá 5 tỷ euro (5,36 tỷ USD) thay cho thời hạn ban đầu là cuối tháng 12/2016.

Từ đầu năm đến nay, BMPS đã mất tới 85% giá trị cổ phiếu và bị Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) đánh giá là ngân hàng hoạt động yếu kém nhất khối trong đợt sát hạch tháng 7 năm nay.

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân và việc Thủ tướng Matteo Renzi từ chức sau đó đã khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại rót thêm vốn cho BMPS.

Đây không phải ngân hàng duy nhất của Italy đang gặp khó khăn. Tổng số nợ không sinh lời của 700 ngân hàng nước này hiện lên đến 360 tỷ euro, tương đương một phần ba tổng mức nợ xấu của toàn Khu vực đồng tiền chung euro (eurozone).

Ngày 6/12, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là Fitch Ratings đã điều chỉnh dự báo triển vọng 2017 cho các ngân hàng Italy từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục