Một LHQ "khiếm khuyết" vẫn là hy vọng lớn nhất của thế giới

Đến thời điểm hiện tại, vai trò quan trọng nhất của Liên hợp quốc là đảm bảo các cường quốc mạnh nhất trên thế giới duy trì đối thoại thường xuyên về những vấn đề có ý nghĩa toàn cầu.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa Garces phát biểu tại Khóa họp 73 Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ ngày 21/9/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Reuters, 4 năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill được hỏi ý kiến đánh giá điều gì đã giúp ngăn chặn xung đột.

Ông đáp rằng sai lầm lớn nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất là không khai thác phù hợp vai trò của Hội quốc liên, một diễn đàn quốc tế của các nước được thành lập năm 1919. Làm được điều này thì đáng nhẽ ra chúng ta đều bình yên.

Liên hợp quốc ngày nay, một thể chế mạnh mẽ và nhiều nước tham gia hơn so với cơ chế cũ, đã tồn tại trong khoảng thời gian lâu hơn gần 4 lần so với Hội quốc liên.

Tuy nhiên, khi Đại hội đồng nhóm họp tuần này tại New York, Liên hợp quốc, giống Hội quốc liên, có nguy cơ ngày càng không đáp ứng được nguyện vọng và mục tiêu đề ra.

Không mấy ai tin rằng thay đổi là hiện hữu hoặc có thể xảy ra, dù điều này là cần thiết.

Những nỗ lực hàng chục năm qua nhằm cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giống như chính bản thân hội đồng này về các vấn đề như Syria, Biển Đông và nhân quyền bị bế tắc hoàn toàn.

Năm thành viên thường trực gồm Anh, Pháp, Mỹ một phe còn Nga và Trung Quốc một phe ngày càng đối đầu nhau. Các cường quốc đang nổi khác như Ấn Độ và Brazil muốn trở thành thành viên thường trực của hội đồng này, song lại không có hoặc ít lộ trình để đạt được mục tiêu này.

Năm thành viên thường trực trên không mảy may có ý muốn chia sẻ quyền lực và không nước nào có thể nhất trí về việc nước nào khác được phép trở thành thành viên thường trực.

Kỳ họp của Đại hội đồng bao gồm nhiều nước tham gia hơn chẳng khác nào nơi để nói chuyện phiếm như người ta vẫn bình phẩm.

Như thường lệ, các kết quả chính của phiên họp tháng Chín năm nay không đến từ phiên thảo luận toàn thể mà từ các cuộc gặp song phương bên lề giữa các nhà lãnh đạo.

Kỳ họp Đại hội đồng là dịp để các nước và nhóm nước nhỏ hơn nói lên tiếng nói của mình, và các nghị quyết đưa ra có thể hữu ích cho các sự nghiệp như thiết lập các thể chế nội bộ của Liên hợp quốc hoặc tổ chức các sự kiện như Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Tuy nhiên, những nghị quyết kiểu này thường không mang tính ràng buộc, do đó, hệ quả là những nghị quyết về những vấn đề thực chất như cuộc xung đột Ukraine 2014 chắc chắn không có hoặc có ít tác động trên thực tế.

Tất cả những thực tế trên là những gì hết sức xa vời so với mong mỏi và hy vọng của những nước sáng lập Liên hợp quốc năm 1946.

Mặc dù vậy, điều đó không làm cho thể chế đa phương này trở nên vô giá trị. Những sứ mệnh của Liên hợp quốc hiệu quả nhất lại thường do các thể chế nhỏ hơn, các cơ quan và đặc phái viên thực hiện.

Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura (giữa, trước) phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria tại New York (Mỹ) ngày 18/9/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ví dụ, mặc dù Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, Staffan de Mistura, đã không thể ngăn chặn cuộc xung đột song ông và êkíp của mình lại giúp duy trì tiến trình đối thoại và bản thân điều này là có ý nghĩa.

Thực tế, thành tựu lớn lao duy nhất của Liên hợp quốc là đã duy trì và xây dựng được tinh thần hợp tác quốc tế như một điều gì đó tích cực dù trên thực tế chưa thực hiện được nhiều.

Không có Liên hợp quốc, thế giới này đã không thể có các Mục tiêu Phát triển bền vững như đã có và ít ra đã giúp định hình tư duy về xóa đói giảm nghèo toàn cầu.

[Mega Story: Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc: Tương lai nằm ở sự đoàn kết]

Tương tự với đó là tiến trình đạt được Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Các cơ quan của Liên hợp quốc như Chương trình Lương thực thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lương Nông thế giới cũng như các cơ quan khác đều đối mặt với chỉ trích, song đây lại là những cơ quan "xương sống" cung cấp hỗ trợ nhân đạo thế giới mà không một nhóm đơn lẻ nào có thể tự làm được, ngay cả tổ chức phi chính phủ Chữ thập Đỏ.

Không có các cơ quan này, việc đối phó với các thảm họa như dịch Ebola 2014 hoặc cuộc khủng hoảng di cư ở Trung Đông và châu Âu sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Các sứ mệnh hòa bình của Liên hợp quốc chỉ có thể được thực hiện khi các cường quốc thế giới nhất trí cần làm gì. Một số sứ mệnh có thể không bao giờ kết thúc kèm theo đó là những vụ bê bối lạm dụng tình dục ở một số nước.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc có thể khẳng định thành công ở lĩnh vực này, nhất là trong nỗ lực giám sát quá trình chuyển giao từ nội chiến sang hòa bình ở một số nước như Mozambique, Campuchia, Guatemala và Tajikistan.

Song, khi quy trách nhiệm cho các nước lớn về một số vấn đề thì Liên hợp quốc lại thu được những kết quả không rõ ràng.

Ví dụ, hồi tháng Tám, Ủy ban xóa bỏ phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc dẫn các số liệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang giam giữ hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tị nạn ở tỉnh Tân Cương, khu tự trị ở phía Tây nước này.

Bắc Kinh sau đó đã bác bỏ báo cáo này và khẳng định không tồn tại trại tị nạn nào như vậy.

Các cơ quan khác như Hội đồng Nhân quyền lại có phần nào mập mờ hơn, thường bị chi phối bởi các nước như Trung Quốc, Iran và Pakistan.

Mỹ đã rút khỏi cơ quan này trong năm 2018, cho rằng cơ quan này thiên lệch Israel và né tránh việc kiểm tra các nước như Iran, Triều Tiên và Syria.

Khi phải đưa ra quyết định có hành động quốc tế đối với sự can thiệp quân sự hay không, một trong những mục tiêu chính của cả Liên hợp quốc và Hội quốc liên, thì Liên hợp quốc một lần nữa lại vật lộn với việc ra quyết định này.

Quyết định của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair nhằm cản trở Liên hợp quốc trong quá trình tiến tới xâm lược Iraq là một cú đòn gây hủy hoại uy tín của thể chế đa phương này.

Nga không hề ngần ngại gì Liên hợp quốc khi sáp nhập Crimea. Trung Quốc cũng đã bị một tòa án Liên hợp quốc bác bỏ những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của nước này đối với Biển Đông, song điều này không giúp ngăn cản Bắc Kinh củng cố và mở rộng hoạt động quân sự ở khu vực.

Những người nắm giữ vị trí hàng đầu của Liên hợp quốc mới thấy khó khăn để cân bằng nhiệm vụ của mình.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres. (Nguồn: THX/TTXVN)

Khi lên nắm quyền, Tổng thư ký Liên hợp quốc hiện nay Antonio Gutteres đề cập sự cần thiết phải cải tổ mạnh mẽ, song cũng cam kết giữ nguyên số nước thành viên thường trực.

Thông điệp này dường như nhằm trấn an các nước vốn không rõ liệu ý ông Antonio nhắm đến các chính phủ nhỏ vốn chi phối Đại hội đồng hay nhắm đến các cường quốc chi phối Hội đồng Bảo an hiện nay.

Việc cải tổ thể chế hiệu quả có thể dẫn đến một thảm họa thế giới khác. Nhưng đến thời điểm này, vai trò quan trọng nhất của Liên hợp quốc là đảm bảo các cường quốc mạnh nhất trên thế giới duy trì đối thoại thường xuyên về những vấn đề có ý nghĩa toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục