Một năm xung đột ở Ukraine - Bước điều chỉnh chính sách

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã gây ra những hệ lụy sâu rộng và toàn diện, việc các bên đạt được một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán là điều được mong mỏi nhất hiện nay.
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, ở New York (Mỹ) ngày 23/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tổ chức nhân 1 năm cuộc khủng hoàng ở Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh cuộc xung đột bùng phát ngày 24/2/2022 đã làm gia tăng bất ổn khu vực, căng thẳng và chia rẽ toàn cầu, giảm nguồn lực dành cho việc xử lý các cuộc khủng hoảng và vấn đề toàn cầu cấp bách khác.

Sau 1 năm, Moskva và Kiev vẫn chưa thể ngồi vào bàn đàm phán, thậm chí có thêm nhiều ngòi nổ mới với các động thái can thiệp quân sự của đồng minh hai phía, tiếp tục là biến số gây quan ngại cho triển vọng thế giới năm 2023.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã gây ra những hệ lụy sâu rộng và toàn diện, việc các bên đạt được một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán là điều được mong mỏi nhất hiện nay. 

Bài 2: Bước điều chỉnh chính sách

Không lâu sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát, các nước phương Tây đã nhanh chóng áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Sau 1 năm, riêng Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai 9 gói trừng phạt và đang cân nhắc gói thứ mười nhằm vào các cá nhân, tổ chức Nga, các ngành công nghiệp Nga, thậm chí mở rộng ra cả các đồng minh của Moskva. Đáp trả, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin cũng có một loạt hạn chế nhằm vào phương Tây, với “át chủ bài” nằm ở thị trường năng lượng mà Nga có vai trò chi phối ở châu Âu cũng như toàn cầu.

Từ giữa năm 2022, để đáp trả các biện pháp trừng phạt, cô lập của phương Tây, Nga liên tục cắt giảm lượng khí đốt chuyển qua châu Âu, thậm chí có lúc thông báo sẽ dừng vô thời hạn việc cung cấp nhiên liệu quan trọng này cho phần còn lại của Lục địa già, khiến châu Âu thực sự chật vật khi bước vào mùa Đông lạnh lẽo.

Về phần mình, đầu tháng 12/2022, EU, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng một số nước như Australia chính thức áp giá trần đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga là 60 USD/thùng hoặc thấp hơn giá thị trường 5%, và từ tháng 2 mở rộng biện pháp trừng phạt tới các sản phẩm dầu mỏ.

Biện pháp đã có tác dụng khi số liệu thống kê mới công bố đầu tháng 2/2023 cho thấy Moskva mất một nửa nguồn thu từ dầu khí trong năm 2022 do giảm xuất khẩu khí đốt trong khi giá dầu Urals của Nga thấp hơn gần 40USD/thùng so với giá dầu Brent của thế giới. Gián đoạn nguồn cung từ Nga cũng góp phần đẩy giá dầu thế giới năm ngoái có lúc lên tới 140USD/thùng.

Có thể thấy, các quốc gia châu Âu và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh đối với Nga trong những giai đoạn đầu của cuộc xung đột nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế Nga và gây khó khăn cho nước này trong việc thực hiện chiến dịch quân sự. Ở mức độ nào đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã có tác động.

Tăng trưởng kinh tế Nga giảm hơn 2% trong năm 2022. Nga cũng rơi vào tình trạng thiếu thốn nguyên liệu và công nghệ để chế tạo các loại sản phẩm công nghệ cao cũng như ngày càng khó khăn trong việc có được một số thiết bị và nguyên liệu nước này cần để có thể thực hiện thành công hàng loạt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, “vũ khí” trừng phạt luôn được coi là "con dao hai lưỡi." Mất thị trường Nga rộng lớn, thiếu hụt nguồn cung dầu khí của Nga, giá năng lượng đã tăng vọt tại các nước châu Âu. Bù đắp phần thiếu hụt này không hề là việc dễ dàng vì hơn 10 năm qua, các nước châu Âu đã chi cả nghìn tỷ euro cho Nga để đổi lấy năng lượng, số tiền thậm chí lớn hơn khoản chi quốc phòng trung bình hằng năm của Nga trong cùng giai đoạn. Chi phí năng lượng tăng, cộng với việc tăng chi phí quốc phòng, đã đặt gánh nặng lên các khoản chi xã hội của các nước châu Âu.

[LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine]

Các cuộc biểu tình phản đối tăng tuổi nghỉ hưu ở Pháp hay tình trạng đình công đòi tăng lương của nhân viên y tế của Anh một phần cũng có thể xem là hệ quả gián tiếp từ cuộc xung đột Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt lẫn nhau.

Hệ quả từ các biện pháp trừng phạt không chỉ thể hiện qua các số liệu về tăng trưởng kinh tế, giá cả… mà còn mang tính định tính khi buộc của phương Tây và Nga phải điều chỉnh đường hướng phát triển của mình. Với quy mô và mức độ liên kết của nền kinh tế Nga, với vị trí quan trọng của Moskva trong các nguồn cung thiết yếu, đặc biệt là vai trò chi phối trong lĩnh vực năng lượng, các nước châu Âu phải tìm cách điều chỉnh chiến lược, mô hình phát triển để vẫn duy trì được các lệnh trừng phạt, trong khi giảm thiểu những thiệt hại từ động thái đó.

Trường hợp nước Đức chính là ví dụ cho thấy cuộc xung đột tại Ukraine đã làm thay đổi mô hình kinh tế. Mô hình trước đây là nguyên nhiên liệu từ Nga được đưa tới Đức để chế biến thành sản phẩm và bán tại thị trường Trung Quốc.

Những năm qua, không thể phủ nhận rằng mô hình này đã mang lại hiệu quả lớn và giúp kinh tế Đức phát triển. Ví dụ ngành công nghiệp ôtô, có tới 1/3 sản lượng ôtô của các doanh nghiệp sản xuất của Đức được bán tại Trung Quốc. Tuy nhiên. mô hình này giờ đây sẽ phải thay đổi.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về phía Nga, cuộc xung đột Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho ý tưởng về một không gian kinh tế chung giữa Nga và EU. Để đứng vững trước các lệnh trừng phạt cũng như khẳng định vị thế cân bằng với châu Âu trong tình hình bị cô lập, Moskva đẩy mạnh chính sách đối ngoại và kinh tế theo hướng đẩy mạnh chính sách hướng về phía Đông.

Bước chuyển này được xem là đã giúp Moskva hạn chế những hậu quả từ các lệnh trừng phạt, với kết quả GDP năm 2022 chỉ sụt giảm khoảng 2%, thấp hơn nhiều lần so với mức dự báo âm 15% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng đưa ra.

Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đầu tiên mua dầu và các sản phẩm dầu của Nga nhiều nhất. Dầu của Nga đi qua cảng của Singapore để đến tất cả các nước trên thế giới, Nga đã xây dựng chuỗi các trung tâm quốc tế này, cho phép xuất khẩu tất cả hàng hóa của mình qua các nước thứ ba, tránh các biện pháp trừng phạt chính và thứ cấp.

Chính sách hướng Đông hiện nay của Moskva được xem là sự tiếp nối các chính sách với châu Á và châu Phi, vốn là những khu vực có quan hệ truyền thống với Nga. Tuy nhiên, mối quan hệ hiện nay đã có nhiều khác biệt nếu xét về mức độ liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa nền kinh tế Nga với thế giới, cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng với những cường quốc khác như Mỹ và Trung Quốc tại các khu vực như châu Phi và Trung Đông…, do đó theo các chuyên gia, Moskva cần thực sự đầu tư hơn nữa vào hướng đi mới này.

Cuộc xung đột chưa có hồi kết tại Ukraine cho thấy đời sống chính trị thế giới luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đã gây ra những hệ lụy sâu rộng và toàn diện, việc các bên đạt được một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán là điều được mong mỏi nhất hiện nay. Tuy nhiên, những diễn biến hiện nay cho thấy chặng đường đi tới kết cục này vẫn còn trắc trở và cần đến nỗ lực tập thể, không chỉ của riêng Moskva và Kiev cùng các bên liên quan mà của cả thế giới, thông qua các cơ chế song phương và đa phương hiện có.

Ngoài việc tham gia thúc đẩy một giải pháp hòa bình, các thành viên trong cộng đồng quốc tế cũng cần chuẩn bị các đối sách linh hoạt để giảm thiểu những tác động tiêu cực và thích ứng kịp thời với tình hình mới./.

Bài 1: Một năm cuộc xung đột tại Ukraine: Cánh cửa hòa bình vẫn khép

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục