Mục đích của Triều Tiên khi khôi phục kênh liên lạc với Hàn Quốc

Có ý kiến cho rằng việc Triều Tiên nhất trí nối lại các kênh liên lạc với Hàn Quốc cho thấy rõ Bình Nhưỡng đang rất mong muốn được nhận viện trợ của Hàn Quốc.
Xe tải của Hàn Quốc chở bột mỳ viện trợ cho Triều Tiên qua cửa khẩu biên giới tỉnh Paju, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AP/Kyodo, trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao do Mỹ dẫn đầu nhằm thúc giục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân đã bị đình trệ suốt 2 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 27/7 cùng thông báo các nhà lãnh đạo của hai nước đã khôi phục các kênh liên lạc vốn bị đình chỉ giữa hai bên suốt thời gian qua và cùng nhất trí cải thiện quan hệ liên Triều.

Mặc dù động thái này chắc chắn có thể giúp xoa dịu mối quan hệ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, song vẫn chưa rõ liệu Bình Nhưỡng có tiến xa tới mức khôi phục các chương trình hợp tác mạnh mẽ trước đây với Seoul và quay trở lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington hay không.

Một số chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ có ý định “đánh bóng” hình ảnh quốc tế của mình hoặc sử dụng Hàn Quốc làm đòn bẩy trước thềm các cuộc đàm phán có khả năng sẽ được nối lại với Mỹ.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc Triều Tiên nhất trí nối lại các kênh liên lạc với Hàn Quốc cho thấy rõ Bình Nhưỡng đang rất mong muốn được nhận viện trợ của Hàn Quốc, trong bối cảnh quốc gia có trang bị hạt nhân này đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Khôi phục các kênh liên lạc

 Văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc cho biết kể từ tháng 4/2021, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhiều lần trao đổi thư cá nhân và quyết định bình thường hóa các kênh liên lạc xuyên biên giới, coi đây là bước đầu tiên để cải thiện quan hệ.

Trong một cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình, quan chức cấp cao của Nhà Xanh Park Soo Hyun cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí khôi phục lòng tin lẫn nhau và phát triển lại mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian sớm nhất có thể.

Ông Park Soo Hyun nói thêm rằng hai miền Triều Tiên sau đó đã mở lại các kênh liên lạc vào sáng 27/7.

Truyền thông nhà nước của Triều Tiên nhanh chóng xác nhận thông báo của Hàn Quốc. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: "Giờ đây, cả hai miền Triều Tiên đều mong muốn quan hệ Bắc-Nam được khôi phục, vượt qua những thất bại và trì trệ càng sớm càng tốt."

KCNA cho biết thêm: “Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí thực hiện một bước tiến lớn trong việc khôi phục lòng tin lẫn nhau và thúc đẩy hòa giải bằng cách khôi phục các đường dây liên lạc liên Triều đã bị cắt đứt thông qua một số cuộc trao đổi thư cá nhân gần đây."

Năm ngoái, Triều Tiên đã cắt đứt tất cả các kênh liên lạc với Hàn Quốc để phản đối điều mà họ cho là thất bại của Hàn Quốc trong việc ngăn chặn các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Triều Tiên đã rất giận dữ và cho nổ tung một văn phòng liên lạc trống rỗng do Hàn Quốc xây dựng ở ngay phía Bắc biên giới của hai nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng hành động khiêu khích của Triều Tiên báo hiệu Bình Nhưỡng ngày càng thất vọng vì Seoul đã không thể hồi sinh các dự án kinh tế liên Triều sinh lợi lớn và không thể thuyết phục Mỹ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.

Tổng thống Moon Jae-in, người ủng hộ nỗ lực hòa giải lớn hơn với Triều Tiên, trước đó đã có "hoạt động con thoi" giữa Bình Nhưỡng và Washington để thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump. Tuy nhiên, Triều Tiên đã đột ngột quay lưng lại với ông Moon Jae-in sau khi hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump lần thứ 2 sụp đổ vào đầu năm 2019 do tranh cãi về các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.

Mục đích thực sự của Triều Tiên là gì?

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Triều Tiên quay trở lại đàm phán. Tuy nhiên, Triều Tiên khẳng định họ sẽ không tham gia các cuộc đàm phán trừ khi Mỹ rút lại chính sách thù địch chống lại Triều Tiên, hàm ý nói tới các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Một số chuyên gia trước đó cho biết Triều Tiên có thể buộc phải tiếp cận với Mỹ hoặc Hàn Quốc nếu tình hình khó khăn về kinh tế của nước này ngày càng nghiêm trọng. Yếu kém trong quản lý, thiệt hại do bão lũ và việc đóng cửa biên giới trong đại dịch COVID-19 đã làm suy kiệt thêm nền kinh tế vốn đã rất khó khăn của Triều Tiên và ông Kim Jong-un trong các bài phát biểu gần đây đã kêu gọi người dân Triều Tiên chuẩn bị tinh thần cho các hạn chế kéo dài do dịch COVID-19.

Mặc dù những phát biểu của ông có thể cho thấy khả năng tình hình kinh tế của Triều Tiên ngày càng tồi tệ hơn, song các nhóm quan sát bên ngoài không hề nhận thấy dấu hiệu của nạn đói trên diện rộng hay tình hình bất ổn xã hội ở đất nước 26 triệu dân này.

Mặc dù vậy, một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh được hãng tin Kyodo trích dẫn cho biết giờ đây hầu như không có cách nào để biết được tình hình thực tế ở Triều Tiên, đặc biệt là ở các khu vực bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng, nhưng người dân ở các vùng nông thôn "chắc hẳn đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn."

Theo nguồn tin này, kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên sau khi cha qua đời vào năm 2011, ông Kim Jong-un dường như luôn có xu hướng "chìa ra cành ôliu" với miền Nam khi đất nước của ông "sa vào vũng lầy."

Nguồn tin này nói thêm rằng hỗ trợ nhân đạo là điều cần thiết để xây dựng lại nền kinh tế đang suy thoái của Triều Tiên và Hàn Quốc - dưới thời Tổng thống cánh tả Moon Jae-in - là nước láng giềng đáng tin cậy nhất đối với Triều Tiên vì công dân hai nước là "đồng bào."

Ngoài ra, vẫn theo nguồn tin nói trên, ngày 27/7 cũng là kỷ niệm 68 năm ký kết hiệp định ngừng bắn nhằm chấm dứt các hành động thù địch công khai của hai bên trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, do đó bằng việc nối lại các kênh liên lạc liên Triều vào một ngày đặc biệt như vậy, ông Kim Jong-un dường như muốn tạo ấn tượng với Mỹ rằng Triều Tiên sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa và nới lỏng trừng phạt.

Hiện nay, Triều Tiên tuyên bố không phát hiện ca COVID-19 nào ở trong nước, song họ đã đóng cửa giao thông đường bộ đến và đi từ các nước láng giềng từ đầu năm ngoái để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch COVID-19.

Việc hạn chế giao thông đã làm cản trở hoạt động thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nói chung. Do hơn 90% thương mại của Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc, nhiều người cho rằng người dân Triều Tiên hiện không thể nhận đủ được nguồn cung cấp hàng ngày. Ngoài việc trao đổi thương mại với Trung Quốc bị trì trệ kéo dài, việc ngành nông nghiệp Triều Tiên bị tàn phá do bão lớn và lũ lụt hồi năm ngoái đã gây ra tình trạng thiếu lương thực.

Đầu năm nay, trong một báo cáo gửi Liên hợp quốc, Bình Nhưỡng cho biết họ đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong hơn 10 năm qua.

[Truyền thông Triều Tiên: Hàn Quốc 'giả tạo' khi nói về hòa bình]

Một nguồn tin ngoại giao khác được Kyodo trích dẫn cho biết: “Ông Kim Jong-un đã không thực hiện được lời hứa xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Ông ấy chắc hẳn rất muốn nhận được càng nhiều viện trợ càng tốt từ mọi nơi."

Vẫn theo nguồn tin này, sẽ rất khó để hai miền Triều Tiên có thể sớm tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp vì dịch COVID-19, nhưng ông Moon Jae-in đang rất nỗ lực để "tạo ra một di sản" trước khi rời nhiệm sở vào tháng 5. Ông nói thêm: "Việc kết nối lại các đường dây liên lạc là một bước tiến đầu tiên để cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên."

Lim Eul Chul, giáo sư Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) đồng tình với quan điểm trên và nói rằng việc khôi phục các đường dây liên lạc cũng sẽ được coi là "một thông điệp tích cực" cho việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AP, Nam Sung-wook, giáo sư tại trường Đại học Hàn Quốc, cho rằng việc khôi phục các kênh liên lạc sẽ không có khả năng dẫn đến sự cải thiện đáng kể trong quan hệ liên Triều, chẳng hạn như một hội nghị thượng đỉnh Moon-Kim khác.

Vị giáo sư này nói: “Triều Tiên biết rằng một ngày nào đó họ sẽ phải ngồi lại và đàm phán với chính quyền Biden. Họ nghĩ rằng Hàn Quốc vẫn có thực sự có giá trị... để khiến cho Biden hành động theo hướng mà Triều Tiên mong muốn."

Theo văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc, các bức thư trao đổi gần đây giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un không thảo luận về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hay các cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo này.

Còn theo ông Park Won Gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, động thái vừa qua của Triều Tiên cho thấy nước này có thể muốn giúp đỡ những người theo chủ nghĩa tự do của Hàn Quốc - những người vốn ủng hộ các mối quan hệ thân thiết hơn với Triều Tiên - giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 tới.

Theo ông, việc Triều Tiên đồng ý khôi phục đường dây liên lạc không có nghĩa là những khó khăn liên quan đến đại dịch của nước này đang trở nên tồi tệ hơn, đến mức buộc họ phải tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp.

Ông trích dẫn các thông tin rằng Triều Tiên vẫn từ chối nhận viện trợ ngay cả từ Trung Quốc, đồng minh lớn của nước này, do lo ngại rằng việc cung cấp viện trợ có thể khiến dịch COVID-19 lây lan.

Sau thông báo ngày 27/7 của chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc, các quan chức liên lạc của hai bên đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại qua 3 kênh, bao gồm cả đường dây nóng quân sự.

Theo Bộ Thống nhất và Bộ Quốc phòng của Hàn Quốc, hai bên đã nhất trí trao đổi 2 lần/ngày như họ từng làm trước đây thông qua 2 trong số 3 kênh liên lạc nói trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục