Mỹ cần chuẩn bị cho một cuộc chạy đua vũ trang mới với Trung Quốc

Việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân làm suy giảm khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ, mở rộng khả năng răn đe để bảo vệ các đồng minh, bảo vệ các lợi ích của Mỹ.
Quân đội Trung Quốc. (Nguồn: amgreatness.com)

Theo mạng tin nationalinterest.org, trong bài bình luận đăng trên mạng tin The National Interest, ông Bradley A. Thayer - Giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Texas ở San Antonio, đồng tác giả cuốn sách mang tựa đề "Cách Trung Quốc nhìn nhận thế giới: Chủ nghĩa Đại Hán và cán cân quyền lực trong chính trị quốc tế" - cho rằng cơ chế kiểm soát vũ khí sẽ không có hiệu quả đối với Trung Quốc, và thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Nội dung bài viết như sau:

Việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân đã không nhận được sự quan tâm xứng đáng của dư luận nếu xét tới mối đe dọa mà nó gây ra đối với các lợi ích của Mỹ và đối với sự ổn định chiến lược.

Hành động của Trung Quốc làm suy giảm khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ, mở rộng khả năng răn đe để bảo vệ các đồng minh và bảo vệ các lợi ích của Mỹ.

[Bắc Kinh: Trung Quốc và Mỹ cần tôn trọng 'lợi ích cốt lõi' của nhau]

Sự ổn định chiến lược sẽ xuất hiện khi cả hai hoặc tất cả các bên trong một mối quan hệ răn đe hầu như không có động cơ để tranh đua vị thế siêu cường. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và Nga đã đạt được sự ổn định chiến lược.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không thể đạt được sự ổn định chiến lược với Trung Quốc vì 3 lý do sau đây:

Đầu tiên, mặc dù đa số mọi người ước tính rằng số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể lên tới xấp xỉ 300 (không thể biết chính xác vì Trung Quốc thiếu minh bạch), song có thể Bắc Kinh sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn con số ước tính này.

Trong tháng 5/2020, tại Trung Quốc xuất hiện nhiều lời kêu gọi mở rộng kho vũ khí hạt nhân lên 100 đầu đạn chiến lược, đó là chưa kể tới các vũ khí hạt nhân tầm trung và các vũ khí khác.

Mỹ đang trong "kỳ nghỉ chiến lược," và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tận dụng cơ hội này để mở rộng kho vũ khí của mình cũng như tăng cường các năng lực chiến đấu thông thường và chiến đấu trong không gian mạng.

Khi một quốc gia bỏ ra nhiều nỗ lực như vậy để tạo ra các hệ thống chiến lược, cũng như tăng cường các năng lực chiến đấu thông thường và chiến đấu trong không gian mạng, thì người ta không thể không đi tới kết luận rằng: đầu tiên, việc nước này mở rộng kho vũ khí rõ ràng bắt nguồn từ các mục tiêu chiến lược lớn của riêng họ là giành được quyền bá chủ; thứ hai, quyết định củng cố lực lượng của họ đã có từ rất lâu trước đây.

Trung Quốc đang lợi dụng tính bị động của Mỹ để tăng cường lực lượng. Bộ trưởng Quốc phòng Casper Weinberger dưới thời cựu Tổng thống Reagan từng nói về Liên Xô: "Khi chúng ta xây dựng, họ xây dựng, khi chúng ta dừng lại, họ vẫn tiếp tục xây dựng." Điều đó vẫn còn đúng tới tận ngày nay.

Việc Trung Quốc phát triển kho vũ khí của họ không thể không liên quan tới những hoạt động mở rộng khác của nước này.

Trung Quốc đang mở rộng các căn cứ của họ - ví dụ như ở Djibouti và Gwadar, và các mạng lưới đồng minh thông qua sáng kiến "Vành đại và Con đường" (BRI) và "ngoại giao bẫy nợ," tạo ra các thể chế quốc tế mới để thay thế những thể chế hiện có, và các chiến dịch tình báo táo bạo.

Những động thái này cho thấy Trung Quốc là một cường quốc không chấp nhận nguyên trạng và theo chủ nghĩa xét lại, muốn thay đổi nguyên trạng ngay lập tức. Điều này là điểm báo gở cho sự ổn định chiến lược.

Phần lớn mọi người lo ngại rằng việc Trung Quốc tăng cường củng cố lực lượng sẽ giúp nước này tiến tới vị trí cân bằng hay đạt được vị thế ưu việt hơn so với Mỹ, điều này sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng.

Những hành động của Trung Quốc khiến nước này trở thành mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược. Để duy trì sự ổn định chiến lược, Mỹ cần hiệu đại hóa các hệ thống chiến lược của mình, bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa và các năng lực chiến đấu thông thường. Nếu không làm như vậy, an ninh của Mỹ và các đồng minh sẽ bị đe dọa.

Thứ hai, cách Trung Quốc tiến hành củng cố lực lượng cũng rất đáng chú ý. Luôn luôn bí mật, Trung Quốc đã giữ kín hoạt động mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình và nước này không muốn Mỹ và các đồng minh của Mỹ phản ứng sớm.

Điều nguy hại hơn là Trung Quốc đang bí mật "chuẩn bị chiến trường" để chắc chắn rằng họ có khả năng gây tổn hại cho Mỹ thông qua các biện pháp khác ngoài vũ khí hạt nhân.

Những cách tấn công phi hạt nhân khác bao gồm: tấn công mạng, kiểm soát không gian, chi phối chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng kinh tế, làm chủ công nghệ 5G, ngày càng phát triển trí tuệ nhân tạo và sức mạnh mềm, tiếp tục tiếp cận cả bằng cách thức hợp pháp và phi pháp các tri thức, tài sản trí tuệ, tài chính, và công nghệ của Mỹ để hỗ trợ sự phát triển của Bắc Kinh.

Điều này giúp đảm bảo rằng Mỹ sẽ bị thiệt hại lớn - trên thực tế có thể tương đương với một cuộc tấn công lớn sử dụng vũ khí hạt nhân - để khiến các nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ phải đầu hàng trong một cuộc khủng hoảng hoặc một cuộc chiến tranh hạn chế mà không phải dùng tới vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc có thể tiến hành một hoặc nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào mạng lưới điện cũng như khả năng phục hồi và xây dựng lại mạng lưới điện của Mỹ sau một cuộc tấn công mạng nghiêm trọng. Đây có thể là một cuộc tấn công trực tiếp trong lĩnh vực an ninh mạng, song nó có thể gây ra những thiệt hại lớn nằm ngoài dự tính.

Hơn nữa, luôn có nguy cơ đối thủ sử dụng bom xung điện tử (EMP) để phá hủy mạng lưới điện của Mỹ. Việc mạng lưới điện của Mỹ dễ dàng bị tổn thương trước EMP - cho dù là từ một cuộc tấn công EMP, tấn công mạng có chủ tâm hay từ hoạt động của mặt trời - và khả năng phục hồi lại mạng lưới điện trong tính huống như vậy là vấn đề cần phải được giải quyết.

Thứ ba, Trung Quốc từ chối thực hiện các nguyên tắc kiểm soát vũ khí và cả việc kiểm soát vũ khí trên thực tế. Do đó, Bắc Kinh sẽ không đơn phương tiết giảm hay hạn chế kho vũ khí của mình cũng như tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí.

Đây là dấu hiệu đáng lo ngại và cho thấy rằng những giả định của Mỹ về việc duy trì ổn định trong quan hệ giữa các cường quốc chỉ là của riêng Mỹ, Trung Quốc không hề cảm thấy như vậy.

Mục đích chính của việc kiểm soát vũ khí là thúc đẩy sự ổn định trong quan hệ giữa các quốc gia. Các nước sẵn sàng từ bỏ hay hạn chế một lớp vũ khí nào đó để thể hiện với các chủ thể khác rằng họ không có tham vọng và ủng hộ sự ổn định chiến lược.

Bằng cách tham gia vào một cơ chế kiểm soát vũ khí, Trung Quốc có thể cho thấy nước này chấp nhận giá trị của việc kiểm soát vũ khí và tìm kiếm các biện pháp xây dựng lòng tin, từ đó góp phần duy trì sự ổn định trong khi cũng thể hiện được rằng Trung Quốc là một cường quốc thực sự trên thực tế.

Về cơ bản, điều đó sẽ giúp Trung Quốc phát đi tín hiệu hòa bình của mình, đồng thời làm yên lòng các nước đang lo ngại về sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc đã bác bỏ việc kiểm soát vũ khí, đây là điều gây nhiều lo ngại và cho thấy hai vấn đề: đầu tiên, Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại; thứ hai, nước này không muốn bị kìm kẹp để có thể mở rộng kho vũ khí của mình.

Những diễn biến này cho thấy Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ không đạt được sự ổn định chiến lược. Trung Quốc sẽ chạy đua để giành được vị thế ưu việt, điều này sẽ gây ra bất ổn và Mỹ phải đảm bảo không bao giờ để điều đó xảy ra và phải chuẩn bị cho tình huống xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang có những động thái mở rộng lực lượng chưa từng có tiền lệ như hiện nay, Mỹ phải phản ứng bằng cách hiện đại hóa các năng lực của mình để ngăn chặn việc Trung Quốc đe dọa tới nước Mỹ, quân đội Mỹ và các cam kết của Mỹ với các đồng minh.

Đây là những bước đi quan trọng để ngăn Bắc Kinh chạy đua nhằm giành được vị thế ngang bằng hoặc vượt trội hơn Mỹ, từ đó làm sụp đổ uy tín và các liên minh của Mỹ.

Cuối cùng, Mỹ phải giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công phi hạt nhân, dưới dạng các cuộc tấn công nhằm gây thiệt hại về kinh tế và xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục