Theo trang mạng nationalinterest.org, Chiến tranh Lạnh khép lại và sự lên ngôi của quyền bá chủ tự do đồng nghĩa với “dấu chấm hết của lịch sử" và kết thúc những “tính toán quyền lực cay độc” như những gì cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng chứng kiến.
Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra cho thấy nước Mỹ dưới thời Donald Trump ngày càng hành xử như một cường quốc thực dụng kiểu cũ, quan tâm trước hết đến các tính toán cán cân quyền lực, và đơn phương hành động để bảo vệ cũng như củng cố những lợi ích quốc gia của riêng mình.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự bá chủ của Mỹ trên thế giới, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng tìm cách đánh bật Mỹ khỏi các khu vực lân cận và cơ bản là châu Á.
Đối mặt với một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi xướng chiến lược tái cân bằng các lợi ích của Mỹ từ Trung Đông về Đông Á.
Mục tiêu của chiến lược “xoay trục về châu Á” này là nhằm cản trở Trung Quốc tiến tới mục tiêu trỗi dậy thành siêu cường, và cũng là để giúp Mỹ thoát khỏi mớ bòng bong chiến tranh ở Trung Đông.
Thông điệp Liên bang năm 2019 của người kế nhiệm Obama, Donald Trump, cũng nhấn mạnh “các siêu cường không bao giờ tham gia những cuộc chiến không có hồi kết."
Thực tế là Chính quyền Trump đã theo đuổi chiến lược tổng thể của người tiền nhiệm là rút lui khỏi Trung Đông và tập trung vào mối đe dọa hiện hữu từ một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Về phần mình, Tổng thống Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc và gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại những vùng lân cận. Washington dùng những đòn trừng phạt kinh tế để đối đầu Bắc Kinh và đang cân nhắc triển khai tên lửa đạn đạo tới châu Á-Thái Bình Dương, một động thái có thể thay đổi cán cân quyền lực khu vực theo hướng có lợi cho Mỹ.
Dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) cũng là một cái cớ để Mỹ leo thang chiến dịch tấn công ngoại giao nhằm vào đối thủ của mình.
Nỗ lực ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, quốc gia được cho là có khả năng vươn lên xứng tầm, hoàn toàn đúng với những nhận định thực tế rằng không siêu cường nào muốn một cường quốc khác có thể thách thức họ.
Trong suốt nhiều năm qua, Mỹ đã gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, dự kiến lên mức kỷ lục là 740,5 tỷ USD trong năm 2021.
Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng con số thực tế phải hơn 1.000 tỷ USD. Mỹ cũng đang đầu tư mạnh tay cho các công nghệ quân sự mới, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa, để đối phó với nguy cơ Trung Quốc “triển khai năng lực tên lửa nhằm ngăn Mỹ hoạt động hay bảo vệ các đồng minh và đối tác tại châu Á."
Trung Quốc công bố phát triển thành công tên lửa siêu thanh DF-17, loại vũ khí tự sản xuất được cho là có khả năng “thay đổi cuộc chơi," và cùng lúc đó Mỹ cũng đang đẩy mạnh việc phát triển các tên lửa hiện đại để dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang sản xuất tên lửa siêu thanh.
Về phần mình, Nga đã triển khai tên lửa Avangard, với tốc độ cao gấp 20 lần tốc độ âm thanh.
Trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân, chính quyền Trump kêu gọi tăng cường vai trò cũng như quy mô và tầm vóc kho vũ khí này.
Báo cáo Lực lượng Hạt nhân (NPR) năm 2018 đã nhấn mạnh sự “cần thiết” của việc thay thế, củng cố và hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của Mỹ.
Sau báo cáo này, Mỹ đã triển khai các đầu đạn hạt nhân sức công phá thấp. Một số thông tin cho biết sau nhiều thập kỷ trì hoãn, rất có thể Mỹ sẽ sớm tiến hành một vụ thử hạt nhân.
[Cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc sẽ đi về đâu?]
Những thay đổi mới trong chính sách hạt nhân của Mỹ phản ánh những biến động của mối quan hệ đối địch với Nga và Trung Quốc, và cũng phù hợp với nhận định rằng các siêu cường sẵn sàng bỏ nhiều công sức để duy trì năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy trước các quốc gia hạt nhân khác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã thông qua chính sách răn đe hạt nhân của Nga, tuyên bố rằng Moskva sẽ dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công thông thường. Dù có quy mô nhỏ hơn nhiều so với của Mỹ và Nga, song Trung Quốc cũng đã tỏ rõ ý định hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, bổ sung một lượng lớn các đầu đạn. Bắc Kinh cho rằng với “sự gia tăng những mối đe dọa chiến lược” từ Washington, nước này có trách nhiệm phải tăng số lượng các đầu đạn hạt nhân và hoàn thiện bộ ba hạt nhân của mình.
Chính quyền Trump đã có ý định từ bỏ nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế, “giải phóng” quân đội khỏi nhiều hạn chế trước đây.
Viện dẫn lý do Nga vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí có tuổi đời hơn 4 thập kỷ này vào tháng 8/2019. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn tới quyết định của Mỹ được cho là bắt nguồn từ những lo ngại về sự phát triển và quy mô của lực lượng tên lửa đạn đạo tầm trung ngày càng tăng của Trung Quốc, vốn không chịu bất kỳ ràng buộc nào.
Trong bối cảnh Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược Mới (NEW START) sắp hết hạn, Chính quyền Trump đang hối thúc Trung Quốc tham gia các thỏa thuận mới giữa Washington và Moskva, một yêu cầu được cho là không “hấp dẫn” với Bắc Kinh, nhất là khi xét đến kho hạt nhân quy mô nhỏ và chưa có nhiều tính răn đe mà nước này sở hữu. Lấy ví dụ đơn giản, nếu tham gia một thỏa thuận tương tự INF, Trung Quốc có thể sẽ phải mất tới 95% tên lửa đạn đạo đang có.
Sau hơn 3 thập kỷ bá chủ thế giới, Mỹ giờ đây phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ châu Á. Để đối phó với thực tế này, Mỹ đang không ngừng tìm cách gia tăng quyền lực của mình và song song với đó là kiềm chế đối thủ gần nhất là Trung Quốc - quốc gia sau hơn 2 thế kỷ vắng bóng trên đấu trường thế giới, đang tìm cách xáo trộn trật tự toàn cầu.
Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, không khó để dự đoán rằng Mỹ sẽ tiếp tục xáo trộn và thậm chí là phá bỏ các cơ chế quốc tế, chi tiêu mạnh tay hơn nữa trong lĩnh vực quân sự, viễn cảnh có thể châm ngòi một cuộc chay đua vũ trang khác, làm sống lại những ám ảnh thời Chiến tranh Lạnh./.