Trong bối cảnh Yemen đang nhanh chóng nổi lên thành điểm nóng mới tại Trung Đông, ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa viện trợ vũ khí đối với Ai Cập, một trong những đồng minh lâu năm nhất của Washington tại khu vực này.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông cáo từ Nhà Trắng cho biết quyết định nối lại viện trợ quân sự cho Cairo dựa trên đánh giá thực tế tình hình chiến sự và bất ổn đang lan rộng tại Trung Đông.
Ai Cập đã mở các chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và tuyên bố nước này có thể triển khai bộ binh tới Yemen nếu cần thiết để hỗ trợ chiến dịch không kích do Saudi Arabia đứng đầu nhằm vào phiến quân Houthi.
Theo quyết định trên, Mỹ sẽ bắt đầu nối lại các chuyến hàng viện trợ máy bay tiêm kích F-16, tên lửa Harpoon và các bộ phận xe tăng hạng nặng M1A1 Abrams cho quốc gia Bắc Phi này.
Viện trợ sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực chính gồm chống khủng bố, an ninh biên giới, an ninh trên bán đảo Sinai và an ninh biển.
Nhà Trắng cho hay, trong cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, Tổng thống Obama khẳng định Washington sẽ tiếp tục khoản viện trợ quân sự hàng năm trị giá 1,3 tỷ USD cho Chính phủ Ai Cập.
Nhà Trắng cho rằng những bước đi như thế sẽ giúp tăng hiệu quả của quan hệ viện trợ quân sự trong ứng phó với những thách thức chung mà Mỹ và Ai Cập cùng phải đối mặt tại một khu vực bất ổn, cũng như phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược truyền thống giữa hai nước.
Nhà Trắng khẳng định quyết định nối lại viện trợ vũ khí cho quốc gia Bắc Phi này là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Mỹ từng là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Ai Cập với khoản hỗ trợ hàng năm lên đến 1,5 tỷ USD, bao gồm khoảng 1,3 tỷ USD là viện trợ quân sự. Tuy nhiên, sau khi xảy ra các cuộc chính biến tại Ai Cập hồi năm 2013 khiến cựu Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ, Mỹ đã đình chỉ khoản viện trợ khoảng 1,3 tỷ/năm USD cho Cairo vào tháng 10/2013.
Gần đây, Mỹ đang nỗ lực cân bằng lại mối quan hệ quân sự với Chính phủ Ai Cập với việc cung cấp cho nước này một số trực thăng chiến đấu Apache nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch chống khủng bố.
Đầu tháng Ba vừa qua, Israel cũng đã hối thúc Mỹ cung cấp cho Ai Cập 10 trực thăng chiến đấu Apache do lo ngại việc Washington trì hoãn các kế hoạch viện trợ vũ khí cho chính quyền Cairo có thể ảnh hưởng đến các chiến dịch của Ai Cập chống lại lực lượng phiến quân Hồi giáo ở khu vực bán đảo Sinai, vốn đem đến nhiều lợi ích an ninh cho Israel./.