Giới chức y tế Mỹ vừa đưa ra chỉ dẫn nên cho trẻ ăn các thực phẩm có chứa đậu phộng (hạt lạc) từ nhỏ tuổi như cách thức để phòng ngừa trẻ bị dị ứng đậu phộng sau này. Điều này hoàn toàn trái ngược với khuyến cáo do Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) đưa ra cách đây 17 năm, khi đó AAP cho rằng các bậc phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi ăn đậu phộng.
Theo công trình nghiên cứu mới do Viện quốc gia về bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ (NIAID) thực hiện, nếu trẻ thuộc nhóm có nguy cơ cao bị dị ứng được ăn các loại thực phẩm chứa đậu phộng từ khi mới 4 tháng tuổi đến 5 tuổi, thì nguy cơ mắc bệnh dị ứng đậu phộng ở những trẻ này giảm tới 81%.
Lý do là bởi những em này thường mắc chàm bội nhiễm nặng hoặc bị dị ứng với trứng, hoặc bị cả hai. Các nhà khoa học cho rằng thực đơn hàng ngày của trẻ nhỏ từ 4 đến 6 tháng tuổi thuộc diện có nguy cơ cao bị dị ứng nên được bổ sung thêm đậu phộng. Đối với trẻ nhỏ có nguy cơ thấp hơn, đậu phộng nên được đưa vào thực đơn từ lúc trẻ được 6 tháng tuổi. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ em ở hai trường hợp ăn thức ăn cứng trước khi ăn đậu phộng.
Dị ứng đậu phộng ở trẻ nhỏ được coi là vấn đề y tế ngày càng gia tăng tại Mỹ bởi cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị căn bệnh này. Các bệnh dị ứng nói chung thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và đeo đuổi trong suốt tuổi trưởng thành. Bệnh dị ứng có thể biến chứng nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Trong nghiên cứu được công bố vào năm 2010, có khoảng 2% trẻ nhỏ tại Mỹ bị dị ứng với đậu phộng, gấp 4 lần so với tỷ lệ hồi năm 1999. Giám đốc NAID Anthony Fauci cho rằng các bậc phụ huynh nên kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển chứng bệnh này ở trẻ nhỏ bởi những biện pháp này sẽ cải thiện cuộc sống cũng như giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khỏe sau này.
Ông Fauchi kỳ vọng rằng các chỉ dẫn mới về chăm sóc trẻ mắc bệnh dị ứng sẽ sớm được triển khai rộng rãi, qua đó giúp ngăn ngừa sự phát triển căn bệnh này ở những trẻ có nguy cơ cao bị bệnh đồng thời giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh dị ứng đậu phộng tại Mỹ./