Mỹ đưa ra đề xuất khung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran

Ngày 5/11, Tổng thống Mỹ cho biết Washington đưa ra đề xuất khung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, theo đó cho phép Tehran đáp ứng nhu cầu năng lượng cần thiết cho hòa bình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Washington đã đưa ra đề xuất khung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, theo đó cho phép Tehran đáp ứng các nhu cầu năng lượng cần thiết với mục đích hòa bình.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho biết Mỹ đã đưa ra quyết định này nhằm giúp Iran có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng cần thiết mà không vi phạm các cam kết về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông không nêu các chi tiết của thỏa thuận khung này.

Cũng theo ông Obama, việc Iran và Nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện trước thời hạn chót ngày 24/11 tới đây hay không vẫn là "một câu hỏi mở" và chưa thể có câu trả lời trong 3-4 tuần tới.

Ông chỉ cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra "xây dựng" và các nhà đàm phán quốc tế làm việc rất "đoàn kết, thống nhất."

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có cuộc đàm phán với giới chức ngoại giao hàng đầu của Iran và Liên minh châu Âu (EU) trong hai ngày 9-10/11, tại thủ đô Muscat của Oman nhằm thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran.

Phát biểu với báo giới trước chuyến thăm, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tỏ ra thận trọng về triển vọng đạt được thỏa thuận mong đợi này theo đúng thời hạn đặt ra. Ông cũng không quên cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh không có ý định xem xét kéo dài thêm thời hạn đàm phán hạt nhân với Tehran.

Trước đó, do còn tồn tại những khác biệt lớn về một số vấn đề cốt lõi nên Iran và Nhóm P5+1 đã nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 4 tháng, từ 24/7 vừa qua đến 24/11 tới, để tạo điều kiện cho việc đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran.

Những vấn đề hai bên còn khúc mắc chủ yếu liên quan đến việc xác định công suất làm giàu urani của Iran, một tiến trình có thể phục vụ mục tiêu sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng vì mục đích hòa bình, song cũng có thể được sử dụng để chế tạo lõi bom hạt nhân nếu có tỷ lệ làm giàu urani cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục