Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 24/4 cho biết Mỹ đã ghi nhận 695 ca nhiễm sởi trong năm nay, con số cao nhất kể từ khi nước này tuyên bố loại bỏ được virus nguy hiểm này vào năm 2000.
Theo CDC, nguyên nhân khiến số lượng ca nhiễm sởi tăng mạnh trong năm 2019 là do một số đợt bùng phát lớn tại bang Washington và thành phố New York vào cuối năm 2018.
Các đợt bùng phát này đa số tập trung tại các cộng đồng nhỏ, nơi tỷ lệ tiêm vắcxin thấp hơn tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên toàn quốc hiện đang ở mức 90%.
Theo CDC, mặc dù căn bệnh này được loại bỏ vào năm 2000, song các đợt bùng phát vẫn xảy ra do du khách tới từ những nước mà bệnh sởi vẫn còn phổ biến. Theo đó, những người nhiễm virus sởi tới từ Israel và Ukraine đã mang theo căn bệnh đến Mỹ và lây cho những người chưa tiêm vắcxin.
[Thẩm phán Mỹ giữ nguyên quyết định của New York về tiêm phòng sởi]
Tính đến ngày 24/4, số ca nhiễm sởi trong năm 2019 đã vượt 667 trường hợp trong cả năm 2014, từng là con số kỷ lục trong một năm kể từ năm 2000. Hiện có 22 bang của Mỹ đã ghi nhận ca nhiễm sởi trong năm nay. Mặc dù bệnh sởi có thể dẫn đến các biến chứng chết người, song vẫn chưa có ca tử vong nào được ghi nhận trong các đợt bùng phát gần đây.
Thành phố New York là nơi bùng phát mạnh nhất, khi có ít nhất 390 trường hợp được ghi nhận kể từ tháng 10/2018, trong đó chủ yếu là trẻ em trong cộng đồng Do Thái Chính thống giáo tại Brooklyn.
Đây là đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất tại thành phố này kể từ năm 1991. Cả CDC và giới chức y tế thành phố đều nhận định đợt bùng phát này là do những thông tin sai lệch ngày càng lan rộng về vắcxin bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR).
Những phụ huynh phản đối vắcxin vì họ tin vào luận cứ phản khoa học rằng trong MMR có thành phần có thể gây tự kỷ.
Đầu tháng này, để ngăn ngừa căn bệnh lan rộng, cơ quan y tế thành phố New York đã ban bố lệnh khẩn cấp, trong đó yêu cầu những người chưa tiêm vắcxin phải đi tiêm chủng MMR trừ khi họ chứng minh được mình miễn dịch. Những người kháng lệnh sẽ đối mặt với mức phạt lên tới 1.000 USD.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đã hối thúc việc tăng cường tiêm vắcxin, khẳng định độ an toàn của vắcxin đã được kiểm chứng qua nhiều năm. Ông cho biết trong tuần tới, cũng là Tuần lễ Tiêm chủng sơ sinh quốc gia, bộ này sẽ thực hiện chiến dịch toàn diện để nhấn mạnh thông điệp vắcxin là an toàn và hiệu quả.
Các ca nhiễm sởi đang tăng nhanh trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ trong ba tháng đầu năm 2019, thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm bệnh, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự bùng phát trở lại của căn bệnh từng được xóa bỏ này có liên quan đến phong trào chống vắcxin ở các nước phát triển. WHO cũng coi đây là mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu./.