Chính quyền Mỹ đã hoan nghênh quyết định mang tính lịch sử của Nhật Bản, cho phép nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể bằng cách diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình.
Ngày 1/7, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nêu rõ Washington đã theo dõi sát và quan tâm sâu sắc tới những thay đổi mới trong chính sách an ninh và quốc phòng của Tokyo.
Bà nêu rõ liên minh Mỹ-Nhật là một trong những quan hệ đối tác an ninh quan trọng nhất của Washington và nước này đánh giá cao những nỗ lực của Tokyo trong việc củng cố liên minh này.
Trong khi đó, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đánh giá đây là một bước tiến lớn trong quan hệ liên minh giữa Washington và Tokyo.
Theo ông, chính sách mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, với tư cách là một đối tác an ninh của Mỹ, cũng như một quốc gia có tiếng nói quan trọng trong trật tự thế giới hiện nay.
Quan chức này cho rằng quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản có thể góp phần không nhỏ vào sự ổn định và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương nếu được thực thi minh bạch đi kèm tham vấn các nước láng giềng trong khu vực.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel coi đây là một bước đi nhằm nâng cao vị thế của Tokyo trong đảm bảo hòa bình, an ninh tại khu vực cũng như trên toàn cầu.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh chính sách an ninh mới của Nhật Bản cho phép các lực lượng phòng vệ nước này có thể tham gia tác chiến trong phạm vi rộng lớn hơn, đồng thời giúp cho liên minh quân sự Mỹ-Nhật hoạt động hiệu quả hơn.
Trong khi đó, hai nước láng giềng của Nhật Bản tại Đông Bắc Á là Trung Quốc và Hàn Quốc đã phản ứng khá thận trọng trước quyết định này của Tokyo.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố nếu chưa được yêu cầu hay đồng ý, nước này sẽ không chấp nhận việc Nhật Bản triển khai quyền phòng vệ tập thể, đồng thời hối thúc Tokyo đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực.
Trung Quốc cho rằng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe cần tránh các hành động mà Bắc Kinh cho là có thể đe dọa sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trước đó, ngày 1/7, Chính phủ của Thủ tướng Abe đã quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, theo đó Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu “sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân.”
Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia hữu hảo trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công.
Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động của Lực lượng Phòng vệ (SDF) trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu và các “kịch bản vùng xám” - những tình huống bất trắc nhưng chưa đến mức bùng phát thành chiến tranh.
Thủ tướng Abe hiện đang nỗ lực nâng cao vị thế của Nhật Bản thành “quốc gia đóng góp chủ động” cho hòa bình và an ninh toàn cầu đồng thời tăng cường năng lực phòng vệ của SDF trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với những nguy cơ về an ninh./.