Mỹ kêu gọi Iran hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế

Trước đó, IAEA cho biết Iran đang gỡ bỏ 27 camera giám sát tại các cơ sở hạt nhân, đồng thời gọi đây là “thách thức nghiêm trọng” đối với công tác giám sát của IAEA ở quốc gia Trung Đông này.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi trong cuộc họp báo về việc Iran dỡ bỏ camerra giám sát (trái) tại các cơ sở hạt nhân, tại Vienna (Áo), ngày 9/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9/6 tuyên bố Iran cần phải hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và cung cấp những thông tin đáng tin cậy về mặt kỹ thuật để hồi đáp những câu hỏi của IAEA.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 chỉ có thể hoàn tất nếu Tehran từ bỏ những yêu cầu không liên quan tới thỏa thuận này.

Trước đó cùng ngày, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết Iran đang gỡ bỏ 27 camera giám sát tại các cơ sở hạt nhân, đồng thời gọi đây là “thách thức nghiêm trọng” đối với công tác giám sát của IAEA ở quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Grossi nêu rõ IAEA đã nhận thông báo về việc số camera nói trên đang được tháo bỏ tại Iran.

Ông nhấn mạnh động thái này “tất nhiên đặt ra thách thức nghiêm trọng,” gây khó khăn cho công tác giám sát của IAEA tại đây.

[Iran gỡ bỏ thêm hàng chục thiết bị giám sát cơ sở hạt nhân của IAEA]

Ông Grossi cũng cho rằng về cơ bản, Iran đang loại bỏ tất cả thiết bị giám sát bổ sung của IAEA đã được lắp đặt theo thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) vào năm 2015.

Hiện chỉ còn từ 3-4 tuần nữa là đến thời hạn chót khôi phục thỏa thuận này. Do đó, quyết định của Iran “sẽ là đòn giáng mạnh (vào nỗ lực khôi phục thỏa thuận).”

Giới phân tích nhận định động thái mới trên của Iran dường như nhằm tiếp tục đáp trả nghị quyết được Hội đồng Thống đốc IAEA, gồm 35 quốc gia thành viên, thông qua vào tối 8/6.

Nghị quyết này chỉ trích Tehran không giải thích được các dấu vết urani tại những cơ sở không khai báo.

Theo thỏa thuận JCPOA, Iran hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đưa Washington rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Tehran. Đáp lại, Iran bắt đầu giảm bớt cam kết trong thỏa thuận từ năm 2019.

Từ tháng 4/2021, các bên liên quan bắt đầu đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận thông qua việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và Iran trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận, tuy nhiên tiến trình đàm phán đã rơi vào trạng thái đình trệ trong những tháng gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục