Mỹ ngừng sử dụng mìn sát thương bên ngoài Bán đảo Triều Tiên

Mỹ đã chính thức ngừng sử dụng mìn sát thương ngoại trừ khu vực cấm ở biên giới liên Triều, một bước tiến gần hơn tới việc tuân thủ Công ước Ottawa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Mỹ đã chính thức ngừng sử dụng mìn sát thương ngoại trừ khu vực cấm ở biên giới liên Triều.

Đây được coi là một bước tiến gần hơn của Washington tới việc tuân thủ Công ước Ottawa, một hiệp ước toàn cầu về cấm sử dụng mìn sát thương.

Ngày 23/9, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Caitlin Hayden cho biết Mỹ sẽ không sử dụng mìn sát thương bên ngoài Bán đảo Triều Tiên, đồng thời sẽ "tiến hành tiêu hủy các kho mìn sát thương không được sử dụng vào việc bảo vệ Hàn Quốc."

Cũng theo quan chức trên, Mỹ sẽ không hỗ trợ cũng như khuyến khích việc sử dụng mìn sát thương ở ngoài khu vực trên. Ngoài ra, Washington cũng đang "điều chỉnh các chính sách" về mìn sát thương, chiểu theo Công ước Ottawa.

Tuyên bố trên được đưa ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đưa ra cam kết ủng hộ nỗ lực toàn cầu loại bỏ vũ khí sát thương.

Theo giới phân tích, tuyên bố mới nhất của chính quyền Tổng thống Barack Obama cho thấy Washington đang tiến gần hơn tới việc tham gia Công ước Ottawa, như những gì mà cường quốc số một thế giới thể hiện tại hội nghị ở Mozambique hồi tháng Sáu vừa qua.

Hội nghị đề ra mục tiêu đến năm 2025 loại bỏ hoàn toàn vũ khí sát thương. Tổng thống Obama dự kiến cũng sẽ đề cập vấn đề này trong bài phát biểu tại hội nghị hàng năm "Sáng kiến Toàn cầu Clinton" do cựu Tổng thống Bill Clinton sáng lập, sắp diễn ra tại New York.

Kể từ năm 1993, Mỹ đã viện trợ hơn 2,3 tỷ USD cho hơn 90 quốc gia trong các chương trình tiêu hủy vũ khí thông thường. Tuy nhiên, đến nay chính quyền Obama vẫn để ngỏ khả năng tham gia Công ước Ottawa.

Năm 2009, Mỹ cùng Trung Quốc và Nga đã không ký hiệp ước toàn cầu cấm mìn sát thương này. Ấn Độ, Pakistan và Iran cũng đưa ra động thái tương tự. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền, kho vũ khí của Mỹ có khoảng 9 triệu quả mìn sát thương.

Công ước Ottawa cấm các nước sử dụng, tàng trữ, sản xuất hay chuyển giao các loại mìn sát thương. Kể từ khi Mozambique lần đầu tiên chủ trì hội nghị về vũ khí sát thương năm 1999, số lượng các nước tham gia công ước này đã tăng lên hơn gấp ba lần từ 45 nước lên 161 nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục