Mỹ: Nỗ lực chống khủng bố ở miền Nam Philippines có nguy cơ suy yếu

Đô đốc Philip Davidson hy vọng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ suy nghĩ lại về quyết định chấm dứt thỏa thuận cho phép lực lượng Mỹ đóng quân tại quốc gia này.
Đô đốc Philip Davidson. (Nguồn: AP)

Ngày 13/2, một chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ cảnh báo việc Philippines chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) sẽ ảnh hưởng tới các nỗ lực chống khủng bố tại miền Nam quốc gia này.

Phát biểu tại một sự kiện ở Sydney (Australia), Đô đốc Philip Davidson, quan chức cao cấp phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Washington hy vọng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ suy nghĩ lại về quyết định chấm dứt thỏa thuận cho phép lực lượng Mỹ đóng quân tại quốc gia này.

Được ký năm 1998, VFA được coi là khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines và cho phép hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận chung thường niên cũng như hỗ trợ nhân đạo.

Ngày 11/2 vừa qua, Philippines cho biết đã chính thức thông báo với phía Mỹ về việc chấm dứt VFA giữa quân đội hai nước. Theo đó, việc Philippines rút khỏi thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 180 ngày và không cần sự chấp thuận của Mỹ.

[Giới chức Mỹ phản ứng về việc Philippines chấm dứt thỏa thuận quân sự]

Trong 180 ngày này, hai bên có thể thực hiện các nỗ lực ngoại giao mà ông Davidson hy vọng sẽ mang đến kết quả khả quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc chấm dứt VFA với ông là "bình thường" và sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ.

Tuy nhiên, Đô đốc Davidson cho rằng động thái này sẽ tác động tiêu cực tới các chiến dịch quân sự ở đảo Mindanao, miền Nam Philippines nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực do các phần tử Hồi giáo cực đoan và ly khai phát động, vốn đã khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng.

Ông cảnh báo việc chấm dứt thỏa thuận sẽ làm suy yếu khả năng Mỹ tham gia hỗ trợ Philippines chống các phần tử cực đoan ở miền Nam, huấn luyện và tác chiến trong lãnh thổ Philippines hay các cuộc huấn luyện chung cùng các lực lượng quốc gia này.

Các nhóm cực đoan ở khu vực miền Nam Philippines, khu vực có đa số người theo đạo Cơ đốc, đã kích động bạo lực trong nhiều thập kỷ qua.

Năm 2019, Chính phủ Philippines và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, nhóm phiến quân lớn nhất, đã ký kết thỏa thuận hòa bình nhưng không có sự tham gia của những nhóm cực đoan nguy hiểm như BIFF có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Abu Sayyaf.

Nhóm này hoạt động mạnh tại miền Nam Philippines từ đầu những năm 1990 nhằm thiết lập một nhà nước Hồi giáo tại đây, khét tiếng với hàng loạt vụ bắt cóc và đánh bom tại khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục