Sau hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành, giới chức y tế Mỹ vẫn đang vật lộn tìm cách cập nhật vaccine để bảo vệ người dân tốt nhất trước virus SARS-CoV-2 đang không ngừng biến đổi.
Ngày 6/4, một ủy ban cố vấn về vaccine cho Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã dành nhiều giờ để thảo luận các vấn đề quan trọng về đổi mới vaccine và tiến hành các chiến dịch tiêm mũi tăng cường trong tương lai. Tuy nhiên, họ đã không đạt được kết luận cụ thể nào.
Các vấn đề mà chuyên gia đang nỗ lực tìm hướng giải quyết bao gồm tần suất cập nhật vaccine để chống lại các biến thể mới, vaccine cần phải hiệu quả tới mức nào mới được phê duyệt và liệu việc cập nhật vaccine có cần sự phối hợp với giới chức y tế toàn cầu hay không.
Tuần trước, FDA đã phê duyệt việc tiêm mũi 4 bằng vaccine của Pfizer hoặc Moderna cho những người từ 50 tuổi trở lên, hoặc những người trẻ hơn nhưng có hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm phòng ngừa nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh mới.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA, Tiến sỹ Peter Marks thừa nhận rằng không thể chỉ đơn giản tiêm mũi tăng cường thường xuyên như hiện nay.
Theo ông, chiến dịch tiêm mũi tăng cường chỉ là biện pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trong lúc nhà chức trách quyết định có nên cập nhật vaccine hiện này và cách thức thực hiện.
Ông cảnh báo rằng khả năng bảo vệ của vaccine đang giảm dần, sự xuất hiện của biến thể mới và thời tiết lạnh hơn vào mùa Thu có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các đợt dịch mới.
Chuyên gia này nhấn mạnh mục đích của Mỹ hiện nay là phòng ngừa các biến thể và các đợt bùng phát trong tương lai, cố gắng giảm thiểu tổn thất và số ca tử vong do COVID-19.
Để đẩy nhanh việc cung cấp vaccine cho thị trường, FDA phải dựa vào các nghiên cứu ngắn hạn để đánh giá hiệu quả của sản phẩm, trong đó chủ yếu tập trung vào tác động ban đầu đối với nồng độ kháng thể trong hệ miễn dịch.
[Vaccine ngừa COVID-19 không thực sự hiệu quả trước "Omicron tàng hình"]
Một số thành viên trong ủy ban cố vấn của FDA mong muốn có thêm nhiều dữ liệu nghiên cứu thông qua việc theo dõi các bệnh nhân trong một thời gian dài xem liệu họ có mắc bệnh hoặc tử vong hay không. Tuy nhiên, cách tiếp cận này sẽ mất nhiều thời gian.
Ông Robert Johnson, đại diện của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y sinh tiên tiến Mỹ (BARDA), cảnh báo nếu không xúc tiến thử nghiệm lâm sàng vào đầu tháng 5, các nhà sản xuất sẽ khó kịp thay đổi công thức, nghiên cứu và sản xuất hàng loạt vaccine cập nhật vào tháng 9.
Một đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề xuất thử nghiệm áp dụng quy trình cập nhật vaccine cúm hằng năm. Cụ thể, cứ hai lần một năm, các chuyên gia của WHO lại khuyến nghị cập nhật vaccine cúm để ứng phó với các chủng mới.
FDA có thể đưa mô hình này vào thảo luận trong ủy ban cố vấn về vaccine, tiến hành bỏ phiếu xem liệu quy trình này có khả thi tại Mỹ, vạch ra các giai đoạn để nhà sản xuất cập nhật vaccine và tiến hành sản xuất quy mô lớn.
Mặc dù vậy, COVID-19 lại chưa có mô hình dễ dự báo như cúm. Virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi, nhiều biến thể khác nhau có thể trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần có thêm các cuộc họp với nhiều dữ liệu và đề xuất hơn từ FDA để đưa ra chiến lược cuối cùng.
Dự kiến, ủy ban về vaccine sẽ còn nhiều cuộc họp trong những tháng tới./.