Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh lần hai trong hai ngày 27-28/2 tại Hà Nội, Việt Nam.
Như vậy, từ chỗ căng thẳng, đối đầu, công kích và đe dọa lẫn nhau, Mỹ và Triều Tiên không chỉ đã gây ngạc nhiên cho dư luận, mà còn mang đến kỳ vọng về những đột phá mới, tiếp nối cho ước vọng hòa bình khởi đầu từ cách đây chưa đầy một năm.
Dưới đây là các diễn biến trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều hai năm qua:
Đe dọa hạt nhân
Ngày 2/1/2017, vài tuần trước khi nhậm chức, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không để vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tấn công đến lãnh thổ nước Mỹ.
Tháng 7-2017, Triều Tiên tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Khi đó, Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định toàn bộ lục địa Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
[Video] Giới học giả nhận định về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều
Trước việc Triều Tiên thử tên lửa, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "hỏa lực và cuồng nộ” mà thế giới chưa từng chứng kiến nếu đe dọa Mỹ.
Bất chấp cảnh báo từ phía Mỹ, ngày 3/9, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
Công kích lẫn nhau
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2017, Tổng thống Trump gọi Nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “người đàn ông tên lửa” với "sứ mệnh tự sát." Ông Trump cảnh báo rằng nếu bị đe dọa, Mỹ sẽ "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên."
Để đáp trả, Chủ tịch Triều Tiên tuyên bố Tổng thống Trump sẽ “phải trả giá đắt.”
Khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới vào tháng 11/2017, ông Trump đã tuyên bố siết chặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ tuyên bố “nút hạt nhân” của Mỹ to và mạnh hơn của Triều Tiên, sau khi Chủ tịch Triều Tiên khẳng định nút hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của mình. Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ tiếp tục gây "sức ép tối đa" đối với Triều Tiên nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Vụ việc sinh viên Mỹ Otto Warmbier
Vào tháng 9/2017, Tổng thống Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng đã tra tấn sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người bị Triều Tiên giam giữ 18 tháng và chết sau khi về nước.
Washington ban hành lệnh cấm công dân du lịch tới Triều Tiên, đồng thời đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố sau 9 năm đưa ra khỏi danh sách này.
Cuối tháng 12/2018, một tòa án Mỹ yêu cầu Triều Tiên trả 501 triệu USD cho cái chết của Warmbier.
“Olympic hòa bình”
Chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên vẫn được xem là chưa chính thức kết thúc do hai bên mới chỉ đi đến một hiệp định đình chiến vào năm 1953. Tuy nhiên, tại Thế vận hội mùa Đông diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 2/2018, đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc đã diễu hành cùng nhau dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Yo-jong có cái bắt tay lịch sử làm tan băng quan hệ hai bên và mở đường cho ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong vòng năm tháng sau đó.
Ivanka Trump, con gái Tổng thống Mỹ, cũng tham gia trong các sự kiện có các quan chức hai miền Triều Tiên.
Chuyến thăm bất ngờ của Giám đốc CIA Pompeo
Vào tháng 3/2018, Tổng thống Trump gây bất ngờ khi thông báo nhận lời mời gặp Chủ tịch Kim. Trước đó, Triều Tiên thông qua các quan chức Hàn Quốc đã gửi thư mời cho Tổng thống Mỹ.
Giám đốc CIA khi đó là Mike Pompeo đã bí mật tới Bình Nhưỡng gặp ông Kim và đặt nền móng cho một hội nghị thượng đỉnh.
Tới tháng 5/2018, trong vai trò ngoại trưởng, ông Pompeo thực hiện chuyến đi thứ hai và trở về với ba công dân Mỹ bị Bình Nhưỡng giam giữ.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất
Hội nghị thượng đỉnh được ấn định vào ngày 12/6/2018 tại Singapore, nhưng ba tuần trước khi khi diễn ra thì ông Trump tuyên bố hủy. Lý do được ông Trump đưa ra là vì "thái độ thù địch công khai" từ phía Triều Tiên. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực ngoại giao căng thẳng, hội nghị đã được cứu vãn.
Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau, cái bắt tay của họ được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Chủ tịch Kim nói đây là một "hội nghị thượng đỉnh lịch sử", trong khi Tổng thống Trump khẳng định cuộc gặp giữa hai bên "thực sự tuyệt vời."
Trong tuyên bố ký kết giữa hai nước tại thượng đỉnh Singapore, Chủ tịch Triều Tiên đồng ý "nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên."
Về phía Tổng thống Trump, ông cam kết "đảm bảo an ninh" cho Triều Tiên.
Kỳ vọng vào Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai
Những cam kết của Mỹ với Triều Tiên được nhận định là còn mơ hồ và tiến trình phi hạt nhân hóa sớm bị đình trệ do những bất đồng về cách hiểu đối với cam kết, cho dù Triều Tiên có những bước tiến trong việc từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba quan chức cấp cao của Triều Tiên với cáo buộc vi phạm nhân quyền và kiểm duyệt vào tháng 12/2018, Bình Nhưỡng lên tiếng cảnh báo rằng động thái này có thể "chặn vĩnh viễn con đường phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên."
Tuy nhiên, hy vọng về hội nghị thượng đỉnh thứ hai bắt đầu nhóm lên vào tháng 1/2019 khi Chủ tịch Kim Jong-un sang thăm Bắc Kinh.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol tại Washington hôm 19/1/2019, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố chính thức về hội nghị thượng đỉnh lần hai diễn ra vào tháng Hai. Hà Nội sau đó được chọn làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh trong hai ngày 27-28/2.
Tổng thống Trump đã tuyên bố "Tôi mong được gặp Chủ tịch Kim và thúc đẩy tiến trình hòa bình!"
Hiện dư luận thế giới đang kỳ vọng mạnh mẽ về những đột phá mới tại kỳ thượng đỉnh lần này để có thể đem lại hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên./.