Ngày 8/2, giới chức Myanmar cho biết nhà chức trách đã ban bố thiết quân luật tại 7 thị trấn ở Mandalay - thành phố lớn thứ hai của nước này.
Trong một tuyên bố, cơ quan chức năng cho biết người dân bị cấm biểu tình hoặc tụ tập thành các nhóm trên 5 người.
Lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài từ 20 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.
Tình trạng thiết quân luật có hiệu lực cho đến khi có thông báo tiếp theo.
[Myanmar đổi tên Văn phòng Tổng thống và Chính phủ liên bang]
Nhà chức trách cũng đưa ra tuyên bố tương tự tại một thị trấn ở vùng Ayeyarwaddy phía Nam.
Dự kiến, lệnh thiết quân luật cũng sẽ được ban bố tại một số khu vực khác trong tối 8/2.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc biểu tình tại Myanmar đã bước sang ngày thứ 3 liên tiếp sau khi Tổng thống Myanmar U Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền bị bắt giữ.
Ngày 1/2 vừa qua, quân đội Myanmar đã can thiệp nhằm ngăn chặn Quốc hội triệu tập phiên họp đầu tiên và thông qua chính phủ mới của NLD.
Văn phòng Tổng thống Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm sau khi quân đội Myanmar bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng NLD vào rạng sáng 2/2.
Bà San Suu Kyi, 75 tuổi, đã bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật xuất nhập khẩu, trong khi Tổng thống U Win Myint bị bắt giữ với cáo buộc ông và gia đình đã gặp gỡ một số người trong chiến dịch tranh cử của đảng NLD cầm quyền vào ngày 20/9/2020 trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 và bị buộc tội vi phạm các biện pháp liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 theo Luật xử lý thiên tai.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một số nước kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người khác đang bị giam giữ, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên ở Myanmar sẽ đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay./.