Myanmar cấp thẻ xác thực nhân thân cho 7.000 người ​ở Rakhine

Hơn 7.000 người đã được cấp thẻ xác thực nhân thân tại bang Rakhine, miền Bắc Myanmar, kể từ khi chính quyền địa phương bắt đầu thực hiện các thủ tục xác thực nhân thân ngày 1/10.
Người tị nạn Rohingya tới khu vực Palongkhali, gần Ukhia, Bangladesh ngày 16/10, sau khi sơ tán khỏi bang Rakhine của Myanmar. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn Myanmar ngày 29/10 đưa tin hơn 7.000 người đã được cấp thẻ xác thực nhân thân (NVC) tại bang Rakhine, miền Bắc nước này, kể từ khi chính quyền địa phương bắt đầu thực hiện các thủ tục xác thực nhân thân ngày 1/10.

Tiến trình này được thực hiện theo khuyến cáo của Ủy ban Cố vấn về bang Rakhine, do cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đứng đầu.

Việc cấp thẻ căn cước, sử dụng các biện pháp sinh trắc học cho hệ thống xác thực nhân thân quốc gia, là bước đầu hướng tới việc cấp quyền công dân theo Luật Công dân năm 1982.

Người đứng đầu Cơ quan Nhập cư và Dân số bang Rakhine, ông U Aung Min cho biết tiến trình này đang được thực hiện ở những khu vực đang ổn định trở lại sau xung đột.

Ông kêu gọi mọi người dân tham gia để được cấp thẻ xác thực nhân thân quốc gia nếu muốn tiếp tục sinh sống ở Myanmar.

Myanmar đã thành lập 9 tổ làm việc có nhiệm vụ phối kết hợp khu vực tư nhân với cơ chế Liên minh Hỗ trợ nhân đạo, tái thiết và phát triển (UEHRD) ở bang Rakhine, do Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đứng đầu.

[Chính phủ Myanmar thúc đẩy tiến trình hòa bình toàn quốc]

Cơ chế UEHRD nhằm cho phép chính phủ và tất cả các tổ chức trong nước, cũng như quốc tế tham gia hỗ trợ trong mọi lĩnh vực và mọi tầng lớp dân cư trong xã hội để phát triển bang này.

Bà San Suu Kyi ưu tiên 3 nhiệm vụ chính cho bang Rakhine, bao gồm hồi hương những người tị nạn đã sang Bangladesh và cung cấp hỗ trợ nhân đạo hiệu quả; tái định cư và tái hòa nhập; và phát triển và duy trì hòa bình cho vùng này.

Chính phủ cũng sẵn sàng thực hiện một tiến trình xác thực nhân thân và hồi hương người tị nạn phù hợp với các tiêu chí đã thỏa thuận trong một Tuyên bố chung giữa các Ngoại trưởng Myanmar và Bangladesh năm 1992.

Theo thống kê của Chính phủ Myanmar, kể từ khi nổ ra các vụ đụng độ sau khi các phần tử khủng bố tiến hành các cuộc tấn công mới vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine hôm 25/8, hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã phải sang Bangladesh lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục