Ngày 17/10, truyền thông Myanmar đưa tin chính phủ nước này đã triển khai một dự án nhằm tái thiết các cơ sở hạ tầng bị phá hủy ở khu vực phía Bắc bang Rakhine, miền Tây Nam nước này, theo cơ chế của Liên minh Hỗ trợ nhân đạo, tái thiết và phát triển (UEHRD).
Dự án bắt đầu từ ngày 16/10, chỉ ba ngày sau khi Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tuyên bố thành lập UEHRD do bà đứng đầu với sự tham gia của các tổ chức tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong nước và các quốc gia bạn bè cũng như một số cơ quan của Liên hợp quốc. Cơ chế này cho phép chính phủ và tất cả các tổ chức trong nước cũng như quốc tế tham gia hỗ trợ trong mọi lĩnh vực và mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.
Dự án bước đầu sẽ hỗ trợ người dân tộc Mro ở làng Kondaing. Bộ trưởng Chính sách xã hội, cứu trợ và tái thiết Myat Aye đã chủ trì buổi lễ triển khai dự án. Đoàn đại biểu do Bộ trưởng Aye đứng đầu cũng đã tới thăm các làng khác trong thị trấn Maungtaw và chuyển quà cứu trợ tới người dân.
Trong một bài phát biểu hôm 12/10 vừa qua, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi nêu rõ ba ưu tiên trước mắt tại Rakhine gồm hồi hương những người bỏ sang Bangladesh lánh nạn và triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo một cách hiệu quả, tái định cư và tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng, hỗ trợ khu vực phát triển và duy trì hòa bình ổn định lâu dài. Bà cũng kêu gọi thiết lập cơ chế UEHRD tại Rakhine.
[UAE thiết lập cầu hàng không cứu trợ người tị nạn Rohingya]
Trước đó, Chính phủ Myanmar cũng cam kết sẵn sàng triển khai quy trình xác nhận và hồi hương người chạy nạn tuân thủ các tiêu chuẩn đã được Bộ Ngoại giao Myanmar và Bangladesh thống nhất từ năm 1992.
Làn sóng bạo lực nổ ra tại Rakhine từ ngày 25/8 khi những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang Rakhine. Xung đột với các vụ giao tranh nghiêm trọng nhất xảy ra gần thị trấn Maungdaw đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng. Bạo lực đã khiến hàng chục nghìn người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã tìm cách vượt biên sơ tán sang lãnh thổ nước láng giềng Bangladesh.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đã đến thăm trại tị nạn dành cho người Rohingya đến từ Myanmar tại khu vực Cox’s Bazar, Bangladesh.
Ông Zahid đã kêu gọi các tình nguyện viên nước này, đặc biệt là các y bác sỹ và nhân viên y tế, đến Bangladesh để giúp đỡ những người tị nạn Rohingya. Ông cho biết Lực lượng vũ trang Malaysia sẽ thành lập một bệnh viện dã chiến 50 giường trị giá 3,5 triệu ringgit (khoảng 830.000 USD) để giúp đỡ những người tị nạn.
Ngoài ra, Bộ Y tế Malaysia cũng sẽ cử đoàn y tế gồm 35 nhân viên đến Cox’s Bazar. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo ASEAN đến thăm trại tị nạn của người Rohingya ở Bangladesh./.