Một quan chức cấp cao Myanmar cho biết ngày 23/11, Myanmar và Bangladesh đã ký một biên bản ghi nhớ về việc hồi hương hàng trăm nghìn người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh.
Hãng tin Reuters dẫn lời Thư ký Thường trực Bộ Lao động, Nhập cư và Dân số Myanmar Myint Kyaing nêu rõ Myanmar sẵn sàng tiếp nhận người Rohingya trở lại sớm nhất có thể sau khi Bangladesh gửi lại cho phía Myanmar các bản đăng ký thông tin cá nhân của người hồi hương.
Trước đó, ngày 22/11, hai nước này đã chấp nhận vai trò trung gian của Trung Quốc và đồng ý thực hiện một giải pháp 3 giai đoạn do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya tại bang Rakhine của Myanmar.
Giải pháp trên bao gồm giai đoạn 1 là đạt thỏa thuận ngừng bắn để người dân địa phương không phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn; trong giai đoạn 2, cộng đồng quốc tế cần khuyến khích Myanmar và Bangladesh duy trì đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi; và giai đoạn 3 là tìm kiếm một giải pháp lâu dài.
Làn sóng bạo lực nổ ra tại bang Rakhine của Myanmar từ ngày 25/8 khi xảy ra vụ các tay súng tấn công tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang này.
Nhà chức trách Myanmar cáo buộc những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số thực hiện vụ tấn công này và chính phủ đã triển khai các chiến dịch an ninh tại bang Rakhine. Xung đột và các vụ giao tranh nghiêm trọng nhất xảy ra gần thị trấn Maungdaw đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng. Bạo lực khiến hàng chục nghìn người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tìm cách vượt biên sơ tán sang Bangladesh.
[Trung Quốc kêu gọi giải quyết vấn đề người Rohingya qua đối thoại]
Tình trạng này có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, đòi hỏi các nỗ lực và hành động quốc tế nhằm đáp ứng những nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng, nhất là về lương thực, nước uống, dịch vụ vệ sinh, chăm sóc y tế và chỗ ở cho người Rohingya tị nạn.
Liên quan vấn đề trên, trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/11, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Washington ủng hộ cam kết của Chính phủ Myanmar tạo điều kiện để tất cả người tị nạn Hồi giáo Rohingya được trở về quê hương một cách an toàn và tự nguyện.
Ngoại trưởng Mỹ nhận định vấn đề phức tạp và khó khăn này đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan để đảm bảo tiến trình hồi hương người tị nạn Rohingya. Ông cũng hoan nghênh sự trao đổi và hợp tác giữa Myanmar và Bangladesh trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hồi hương người Rohingya tị nạn.
Trước đó, một số quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc áp đặt "các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào các cá nhân châm ngòi cho những hành động bạo lực (tại Myanmar)."
Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar cho biết hiện Mỹ đã tạm đình chỉ các chuyến đi của các quan chức nước này đến các vùng thuộc bang Rakhine./.