Nếu chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu đoạn qua tỉnh An Giang và Mỹ An-Cao Lãnh được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7/2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai các công việc liên quan để khởi công dự án trong năm 2024.
Theo đó, Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu có tổng chiều dài khoảng 27,43km, được chia làm 2 dự án thành phần, đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp dài 16km; Tiền Giang dài 11,43 km. Quy mô phân kỳ 4 làn xe rộng 17m, tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng.
Với đoạn tuyến dài gần 12km qua tỉnh Tiền Giang, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều dày tầng đất yếu lớn, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư.
Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 857 tỷ đồng do được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế; chi phí xây dựng tăng khoảng 584 tỷ đồng do cập nhật khối lượng, đơn giá; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 131 tỷ đồng do được tính toán theo tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng; chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng.
Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 6758/BGTVT-KHĐT ngày 28/6/2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang xin ý kiến về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án.
Sau khi có ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
“Theo báo cáo của chủ đầu tư, nếu chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7/2023, sẽ triển khai các công việc liên quan để khởi công dự án vào tháng 1/2024,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm.
[Thủ tướng: Gỡ nút thắt, thúc đẩy các dự án cao tốc và vốn ODA ở ĐBSCL]
Đối với dự án thành phần 1 qua tỉnh Đồng Tháp, hiện địa phương đã bàn giao mặt bằng 93,25/101,14 ha (đạt 92,2%). Dự án có 1 gói thầu xây lắp, đã khởi công ngày 25/6/2023. Nhà thầu đã tiếp nhận mặt bằng thi công, hiện đang tập kết máy móc thiết bị, nhân sự, triển khai dọn dẹp mặt bằng chuẩn bị cho công tác đào vét hữu cơ, đường công vụ. Tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 2,25 triệu m3 (năm 2023 là 0,56 triệu m3, năm 2024 cần 1,69 triệu m3). Tỉnh Đồng Tháp đã cân đối đủ nguồn cát cho dự án.
Về nguồn vật liệu, dự án thành phần này có tổng nhu cầu cát đắp khoảng 1,33 triệu m3 (năm 2023 là 0,3 triệu m3, năm 2024 cần 1,03 triệu m3). Tỉnh Tiền Giang đã làm việc và được tỉnh Đồng Tháp thống nhất cân đối bố trí đủ nguồn cát cho dự án.
Với Dự án Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh, nếu chủ trương phê duyệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 7/2023, dự án cao tốc này có thể khởi công vào tháng 9/2024.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021, sử dụng nguồn vốn ODA (Hàn Quốc EDCF) với sơ bộ tổng mức đầu tư 4.770,7 tỷ đồng. Do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều sâu đất yếu lớn, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư.
“Hiện nay, chủ đầu tư đang tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nếu chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7/2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 8/2023, đàm phán ký Hiệp định vay ODA với Chính phủ Hàn Quốc vào cuối năm 2023. Các công việc liên quan sẽ được triển khai ngay sau đó để để khởi công dự án vào tháng 9/2024,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Dự án đường Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh có tổng chiều dài gần 27km qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo chủ trương được phê duyệt, giai đoạn 1 dự án sẽ được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, rộng 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100km/giờ./.