Trên sàn HoSE, mã ITA tiếp tục dẫn đầu về có khối lượng giao dịch tuần qua, với 33 triệu đơn vị. Đứng kế tiếp là mã KBC, khối lượng đạt gần 32 triệu đơn vị. Các mã khác còn lại trong top 5 là HPG, HHS, FLC.
Bên sàn HNX, mã HKB có khối lượng chuyển nhượng nhiều nhất, đạt 16 triệu đơn vị. Sau đến mã SCR, khối lượng giao dịch gần 11 triệu đơn vị và các mã khác trong top 5 thuộc về VCG, ACM, DCS.
Như vậy cả tuần, chỉ số VN-Index biến động lên - xuống xung quanh mức 650 điểm và chốt tại mức 652,23 điểm, tăng 0,36% so với cuối tuần trước. Chỉ số HNX-Index cũng tạm thời kết thúc chuỗi điều chỉnh và hầu như đi ngang trong 3 phiên giao dịch cuối tuần, dừng ở mức 83,71, giảm 0,39%.
Về diễn biến, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí giảm đáng kể, do tình hình giá dầu thế giới đi xuống, các mã GAS (-4,87%), PVD (-5,18%).
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng gần như đi ngang suốt cả tuần, các mã BID (-0,56%), CTG đứng giá, MBB (-1,3%), STB (+1,8%).
Một diễn biến đáng chú ý, cổ phiếu TTF vẫn bị bán tháo và giảm sàn 9 liên tiếp, hiện cổ phiếu này đã mất giá 47% trong vòng hai tuần.
Về thanh khoản, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đạt hơn 104 triệu đơn vị/phiên và 37 triệu đơn vị/phiên bên sàn HNX.
Trong tuần, nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 470 tỷ đồng trên sàn HoSE song lại bán ròng gần 70 tỷ đồng tại sàn HNX.
Trên sàn HoSE, họ mua ròng lớn nhất là mã HPG, đạt 8,4 triệu đơn vị, tiếp đến là mã E1VFVN30 với 5,5 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, họ bán ròng mạnh nhất tại mã FLC, với khối lượng trên 5,1 triệu đơn vị và sau đó là mã ITA, với khối lượng gần 2,2 triệu đơn vị.
Tại sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất vẫn là mã PVS, đạt gần 2 triệu đơn vị, tiếp theo là các mã VND, MBG, HUT, VIX.
Chiều ngược lại, họ bán ròng nhiều nhất tại mã SBH với 247.420 đơn vị, sau đến các mã VNR, DXP, AAA, ITQ.
Nhìn chung, thị trường đã trải qua tuần giao dịch không có nhiều biến động với các phiên tăng, giảm điểm xen kẽ. VN-Index nằm trong vùng biến động từ 645 điểm đến 660 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức trung bình, điều này cho thấy áp lực bán đã không còn quá mạnh và thị trường bắt đầu tìm đến điểm cân bằng.
Ngoài ra, sự phân hóa đã diễn ra khá rõ rệt tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó giao địch đáng chú ý nhất thuộc về nhóm ngành thép, cụ thể hai mã cổ phiếu trụ cột là HPG và HSG được giao dịch tích cực với những thông tin hỗ trợ như kết quả kinh doanh nửa đầu năm.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình sau thời gian tăng nóng thì nay tiếp tục có tuần giao dịch ảm đạm và tiêu cực. Theo quan từ giới phân tích, sau khi kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 640 điểm - 645 điểm của VN-Index, áp lực bán trên thị trường đã suy giảm đáng kể.
Theo họ, chỉ số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong một vài phiên giao dịch đầu tuần khi mà phần đông nhà đầu tư vẫn trong trạng thái giao dịch chờ đợi. Song, xu hướng tăng có thể xuất hiện trở lại nếu lực cầu được hấp thụ tốt tại các nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.