Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Trong một tuần sau nghỉ lễ chỉ có 3 phiên giao dịch, mã HOT vẫn nhanh tay có thêm 4.200 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 22% và trở thành quán quân nhóm tăng giá trên sàn HoSE.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Trong một tuần sau nghỉ lễ chỉ có 3 phiên giao dịch, mã HOT của Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ Hội An vẫn "nhanh tay" có thêm 4.200 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 22% và trở thành quán quân nhóm tăng giá.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 6/5 cho thấy, mức tăng gần 22% của HOT có được sau 3 phiên liên tiếp tăng kịch biên độ.

HOT vừa chính thức công bố báo cáo kinh doanh quý 1 năm nay với mức lợi nhuận sau thuế thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, doanh thu của HOT trong 3 tháng đầu năm nay vẫn đạt gần 46 tỷ đồng, cao hơn mức trên 42 tỷ đồng của 3 tháng năm 2015.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của HOT trong năm nay lên tới 33 tỷ đồng đã "ăn" khá nhiều vào doanh thu. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt ở mức 2 tỷ đồng và 5 tỷ đồng đã khiến mức lãi của HOT bị giảm đáng kể.

Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số được ghi nhận lên tới trên 5 tỷ đồng.

Ngoài HOT, đáng chú ý trong nhóm tăng giá còn có mã HLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long. Đây chính là mã mất giá nhiều thứ 2 trên sàn trong tuần cuối tháng Tư. Tuy nhiên, những phiên giao dịch đầu tháng Năm đã chứng kiến "bộ mặt" hoàn toàn khác của công ty trong nhóm ngành sản xuất này.

Báo cáo vừa công bố của HLG cho thấy một số điểm đáng chú ý trong đó đặc biệt là mức doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.

Trong 3 tháng đầu năm, HLG đạt doanh thu 624 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước trong đó gia tăng đáng kể là doanh thu đạt 150 tỷ đồng từ hoạt động thương mại, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm 2015.

Lợi nhuận của HLG được báo cáo ở mức hơn 27 tỷ đồng, tăng tới trên 42 tỷ đồng so với quý 1 năm ngoái. Trước đó, trong 3 tháng đầu năm trước, HLG lỗ tới gần 14,8 tỷ đồng.

Ở phía ngược lại, mất giá nhiều nhất sàn là cái tên khá lạ trong những tháng gần đây, mã DTA của Công ty cổ phần Đệ Tam.

Ba phiên nện sàn tuần này đẩy DTA mất tổng cộng 900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm gần 18%.

Trước đó, vào cuối tháng Tư, Đại hội đồng cổ đông thường niên của DTA đã thống nhất kế hoạch trong năm 2016 với tổng doanh thu khoảng 85 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 5,1 tỷ đồng.

Mục tiêu này cao hơn khá nhiều kết quả trong năm 2015. Doanh thu năm ngoái của DTA chỉ đạt hơn 36,7 tỷ đồng và mức lãi chỉ vỏn vẹn hơn 76 triệu đồng.

Đại hội cũng thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ của công ty từ 100 tỷ đồng lên mức tối đa là 160 tỷ đồng.

Bên sàn HNX, mã SPI của Công ty cổ phần Đá Spilit tiếp tục xuất hiện trong nhóm tăng giá ở vị trí thứ 2. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp SPI chen chân trong top tăng giá. Trong tuần cuối tháng Tư, mã này thậm chí còn giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng với tỷ lệ tăn giá gần 40%

Với tuần giao dịch đầu tháng này, SPI vẫn có liên tiếp 3 phiên tăng giá và có thêm 1.500 đồng/cổ phiếu, ứng với tỷ lệ 25%.

Trong tuần này, một trong những thông tin đáng chú ý từ SPI là việc ông Nguyễn Đại Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này đã bán hơn 2,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 16,06% vốn. Người mua vào lượng cổ phiếu trên là Ủy viên Hội đồng quản trị của SPI, ông Đoàn Quốc Khánh.

Báo cáo quý 1 năm nay của SPI cho thấy lợi nhuận sau thuế tăng đột biến, ở mức gần 7 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, con số được báo cáo chỉ là xấp xỉ 562 triệu đồng.

Lãnh đạo SPI đã có văn bản giải trình về sự chênh lệch trên với lý do "công ty hoàn lại chi phí trích lập dự phòng tài chính do doanh nghiệp đã bù được số lỗ luỹ kế phát sinh khi sáp nhập công ty."

Đứng đầu nhóm tăng giá là mã GMX của Công ty cổ phần Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân với tỷ lệ tăng giá 32%.

Với top mất giá, mã CTN của Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm vẫn phải chịu cảnh "ngụp lặn" ở nhóm này khi đứng ở vị trí số 2.

CTN đã phải trải qua một tuần đáng quên trong những phiên giao dịch cuối tháng Tư và chính là mã mất giá nhiều nhất sàn. Đà lao dốc của CTN thậm chí đã kéo dài sang những phiên tháng này với 3 phiên nện sàn liên tục.

Tính rộng hơn, trong 10 phiên gần đây, CTN đã rớt giá trong 9 phiên liên tiếp.

Như đã thông tin trước đó, tình hình của CTN đang khá căng thẳng khi công ty phải đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn.

Lợi nhuận gộp trong năm 2015 của công ty theo tính toán đã âm khoảng 37,7 tỷ đồng. Tính cả 2 năm 2014-2015, CTN đã lỗ 108,8 tỷ đồng, lớn hơn mức vốn điều lệ.

Theo đại diện CTN, một số lý do khiến công ty lâm vào tình cảnh trên là do với một số công trình thủy điện, CTN không được thanh toán nhiều khoản chi phí. Ngoài ra, việc các chủ đầu tư chậm thanh toán công nợ trong khi CNT phải vay vốn ngân hàng khiến công ty phải chịu các khoản lãi vay.

Trong báo cáo kinh doanh quý 1 vừa công bố của CTN, công ty đạt doanh thu gần 56 tỷ đồng tuy nhiên, mức lợi nhuận sau thuế của CTN vẫn đang âm hơn 869 triệu đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục