Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài

Hoạt động nâng cao năng lực có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như lao động nữ di cư.
Đưa công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước an toàn. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo tập huấn cho cán bộ ngoại giao về cung cấp hỗ trợ có chất lượng đối với lao động nữ di cư.

Đây là lần thứ hai Hội thảo tập huấn dành cho cán bộ ngoại giao được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình "An toàn và Bình đẳng: Hiện thực hóa quyền và cơ hội của lao động nữ di cư trong khu vực ASEAN," một phần của Sáng kiến tiêu điểm của Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc nhằm xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự khẳng định, đây là hoạt động nâng cao năng lực có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như lao động nữ di cư.

Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư là mục đích, ưu tiên hàng đầu trong chính sách quản lý di cư quốc tế của Việt Nam và được nhấn mạnh tại Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) ban hành kèm theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

[Đại dịch COVID-19: Những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào]

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN WOMEN tại Việt Nam cho rằng, tiếp nối Hội thảo tập huấn lần đầu tiên tổ chức vào tháng 10/2019 tại Hà Nội, hội thảo lần này hướng tới việc cung cấp những thông tin cần thiết về rủi ro của bạo lực, lạm dụng, vai trò của phụ nữ cũng như rào cản đối với họ khi tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, qua đó giúp cán bộ ngoại giao - những người ứng phó đầu tiên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ công dân vốn rất nhiều thách thức.

Bà Elisa Fernandez cũng hy vọng rằng, sau tập huấn, cán bộ ngoại giao sẽ tiếp tục đóng góp, hoàn thiện hơn nữa công tác bảo vệ, hỗ trợ người di cư, nhất là lao động nữ di cư bị bạo lực trên cơ sở Quy trình chuẩn về vấn đề này mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đang phối hợp với Chương trình An toàn và Bình đẳng xây dựng.

Chúc mừng Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM cũng như vai trò dẫn dắt của Bộ Ngoại giao trong lĩnh vực này, bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế lao động, Quyền Giám đốc Văn phòng quốc gia ILO tại Việt Nam cho rằng, Hội thảo là "bước đi quan trọng, nhạy bén và có tầm nhìn xa, tiến tới đảm bảo di cư an toàn và trật tự cho tất cả mọi phụ nữ."

ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác trong khuôn khổ Chương trình An toàn và bình đẳng vì mục tiêu chung: loại bỏ bạo lực, lạm dụng, bóc lột, mua bán người trong di cư lao động và để di cư lao động an toàn hơn và bình đẳng hơn đối với phụ nữ.

Hội thảo tập huấn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ ngoại giao trong công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ lao động nữ di cư Việt Nam là nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán; đồng thời góp phần triển khai hiệu quả và thực chất Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì xây dựng và điều phối.

Chương trình An toàn và Bình đẳng: Hiện thực hóa quyền và nghĩa vụ của lao động nữ di cư tại khu vực ASEAN là một phần của Sáng kiến tiêu điểm nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, sáng kiến toàn cầu được Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc thực hiện trong nhiều năm.

Chương trình An toàn và Bình đẳng được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa ILO và UN Women (phối hợp cùng UNODC) nhằm mục tiêu đảm bảo di cư lao động an toàn và bình đẳng cho tất cả mọi phụ nữ trong khu vực ASEAN. Thời gian thực hiện chương trình là 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022.

Việt Nam đã lồng ghép các vấn đề về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trong nội dung Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, đặc biệt là các nhóm đặc thù phụ nữ và trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục