Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Nội chính TW và Ủy ban Kiểm tra TW

Hai cơ quan thống nhất tiếp tục phát huy những nội dung phối hợp đã được thực hiện tốt trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú phát biểu khai mạc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 21/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Chủ trì Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).

Khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú nêu rõ hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về kết quả sau 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp; đánh giá ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, vướng mắc. Đồng thời nhấn mạnh các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian tới góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước

Ngày 4/6/2014, Ban Bí thư đã ra Quyết định số 243-QĐ/TW, ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Trong 5 năm (từ tháng 9/2016 đến nay), hai cơ quan đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo về chủ trương "trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý thì chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến ủy ban kiểm tra cùng cấp để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng. Ủy ban Kiểm tra cùng cấp kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo."

[Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng]

Đến nay chủ trương này đã được Ban Chấp hành Trung ương cụ thể hóa thành Quy định thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

Hai cơ quan đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, định hướng lớn, cũng như xây dựng, hoàn thiện thể chế, các quy định, quy chế về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo kiểm tra kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cả cấp ủy cấp huyện và cơ sở, xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật và xử lý kỷ luật theo thẩm quyền nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...

Thời gian tới, hai cơ quan thống nhất tiếp tục phát huy những nội dung phối hợp đã được thực hiện tốt trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả trong công tác phối hợp.

Hai cơ quan tăng cường phối hợp trong tham mưu xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về chủ trương, chính sách lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nội chính, cải cách tư pháp; phối hợp tham mưu hướng dẫn, cụ thể hóa nội dung phòng, chống tiêu cực, các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để thống nhất nhận thức, là cơ sở cho triển khai thực hiện; phối hợp tham mưu kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng có liên quan đến công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp hoặc do cấp có thẩm quyền giao; kiểm tra cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Lực lượng xung kích đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến quyền lợi, danh dự, uy tín, sinh mệnh chính trị của tổ chức, cá nhân, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị. Trong đó Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương là hai cơ quan tham mưu chiến lược, nòng cốt.

"Có thể nói hai cơ quan là hai lực lượng chủ công, xung kích, "hai mũi giáp công" của Đảng để đẩy mạnh đấu tranh  phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh," Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp phối hợp trong thời gian tới, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh tiếp tục phối hợp tham mưu thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực theo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Quy định 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Nhất là phối hợp tham mưu đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm liên quan các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Hai cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhất là phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nội chính, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; phối hợp hoàn thành các Đề án được giao theo Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng.

Đặc biệt là cung cấp, trao đổi thông tin về lĩnh vực, địa bàn, tổ chức đảng, đảng viên có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực để ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra, giám sát; trao đổi, cung cấp thông tin về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hoặc có dấu hiệu tội phạm qua kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính Trung ương để Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý theo quy định; phản ánh, cung cấp thông tin về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ trong hai cơ quan để uốn nắn, chấn chỉnh hoặc xử lý kịp thời.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục