NASA khởi động sứ mệnh nghiên cứu các tiểu hành tinh Trojan

Tàu vũ trụ Lucy của NASA đã cùng tên lửa đẩy rời bệ phóng ở bang Florida (Mỹ) vào sớm ngày 16/10, bắt đầu sứ mệnh khám phá các tiểu hành tinh Trojan kéo dài 12 năm trong dự án trị giá 981 triệu USD.
Tên lửa đẩy mang theo tàu Lucy rời bệ phóng tại Florida (Mỹ), sáng sớm ngày 16/10/2021. (Nguồn: reuters.com)

Ngày 16/10, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã lần đầu tiên phóng tàu vũ trụ Lucy nhằm thực hiện sứ mệnh khám phá các tiểu hành tinh Trojan gần Sao Mộc, mở ra những cái nhìn mới hơn về sự hình thành Hệ Mặt Trời.

Tên lửa đẩy Atlas V mang theo tàu Lucy đã rời bệ phóng vào lúc 5h34 sáng cùng ngày (theo giờ địa phương) tại trạm phóng Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ). Sứ mệnh Lucy nhằm khám phá các tiểu hành tinh Trojan kéo dài trong 12 năm và dự án này của NASA trị giá 981 triệu USD.

Lucy sẽ trở thành tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên có hành trình thám hiểm rất xa Mặt Trời và sẽ quan sát được nhiều tiểu hành tinh hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào trước đó, với 8 tiểu hành tinh.

Bên cạnh đó, Lucy sẽ có 3 lần tiếp cận gần Trái Đất để hỗ trợ trọng lực, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên di chuyển đến vòng ngoài Hệ Mặt Trời rồi trở lại gần Trái Đất.

[NASA lên kế hoạch tìm kiếm nước đóng băng trên Mặt Trăng]

Ông Thomas Zurbuchen, thuộc bộ phận Sứ mệnh khoa học của NASA, nêu rõ mỗi tiểu hành tinh sẽ cung cấp một phần cho quá trình hình thành Hệ Mặt Trời. Vào năm 2025, tàu vũ trụ Lucy sẽ tiếp cận tiểu hành tinh đầu tiên có tên Donaldjohanson ở Vành đai chính giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Tiểu hành tinh này được đặt tên theo người phát hiện ra hóa thạch Lucy. Trong khoảng thời gian từ năm 2027 đến năm 2033, tàu vũ trụ của NASA sẽ tiếp cận 7 tiểu hành tinh Trojan - 5 tiểu hành tinh trong nhóm đi trước Sao Mộc và 2 tiểu hành tinh theo sau Sao Mộc. Tiểu hành tinh lớn nhất trong số tiểu hành tinh tàu vũ trụ NASA tiếp cận có đường kính khoảng 95km.

Bên cạnh đó, Lucy sẽ tiếp cận các vật thể mục tiêu trong phạm vi 400km so với bề mặt của các tiểu hành tinh và sử dụng các thiết bị và ăng ten lớn trên tàu vũ trụ để thăm dò địa chất, như thành phần, khối lượng, mật độ và thể tích.

Đáng chú ý, tàu vũ trụ Lucy còn mang theo một máy tách tia sáng kim cương, hay còn gọi là máy đo phổ phát xạ nhiệt Lucy, giúp phát hiện bức xạ nhiệt, qua đó có thể lập bản đồ nhiệt độ bề mặt các tiểu hành tinh.

Bằng cách đo nhiệt độ tại các thời điểm khác nhau trong ngày, nhóm nghiên cứu có thể tìm ra các đặc tính vật lý như lượng bụi, cát hoặc đá có trên tiểu hành tinh đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục