Nền chính trị đạo đức dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Dưới thời của ông Tập Cận Bình, "cuộc hôn nhân" giữa pháp luật và đạo đức đã trở thành một phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AP)

Theo mạng tin eastasiaforum.org, Delia Lin, giảng viên cao cấp bộ môn Nghiên cứu Trung Quốc tại trường Đại học Melbourne, mới đây đã có bài bình luận về nền chính trị Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đăng trên mạng tin East Asia Forum.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Không giống như những người tiền nhiệm - bao gồm cả ông Mao Trạch Đông - Chủ tịch Tập Cận Bình có một học thuyết chính trị mang tên ông.

"Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới" được đưa vào cả Điều lệ Đảng và Hiến pháp. Đây có thể được coi là sự trở lại của nền chính trị được cá nhân hóa theo phong cách Mao Trạch Đông.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là học thuyết chính trị của ông Tập Cận Bình là một hệ tư tưởng có khả năng đảm bảo cho sự cầm quyền tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Uy quyền tối cao của Đảng Cộng sản và trật tự luật pháp xã hội chủ nghĩa được củng cố thông qua việc nhấn mạnh vào 2 trọng tâm: "quản lý đất nước theo pháp luật" và "các nguyên tắc đạo đức". Những nguyên tắc này tạo ra nền tảng tư tưởng cho sự hòa hợp giữa luật pháp và đạo đức trong kỷ nguyên mới.

Sự hòa trộn giữa luật pháp và đạo đức không phải là điều mới mẻ ở Trung Quốc. Trong nhiều thiên niên kỷ, "đức trị" là cốt lõi trong nghệ thuật quản lý đất nước của các triều đại Trung Quốc. Cả Nho giáo và những nguyên tắc quản lý bằng pháp luật đều không thừa nhận những mong muốn của cá nhân theo đuổi tư lợi - cho rằng điều đó chẳng mang lại gì ngoài tính ích kỷ và tham nhũng.

Nho giáo tin vào bản chất đạo đức của người cai trị và bản chất dễ uốn nắm của con người thông qua các hoạt động lặp đi lặp lại và tuân thủ theo các nguyên tắc đạo đức.

Trong khi đó, Pháp giáo lại nhấn mạnh tới quyền lực tuyệt đối và uy quyền của người cai trị, và cần thi hành các biện pháp trừng phạt để kiềm chế tham nhũng.

Ảnh hưởng sâu sắc của quan hệ biện chứng giữa luật pháp và đạo đức từ thời cổ đại của Trung Quốc đã dẫn tới sự giáo hóa đạo đức của các cá nhân và vẫn đứng đầu các chương trình nghị sự chính trị ngày nay.

[Bộ Chính trị Trung Quốc ra tuyên bố nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế]

Rất nhiều vấn đề xã hội và chính sách vẫn bị "đóng khung" trong khái niệm "suzhi" - chất lượng bản chất đạo đức của công dân.

Cách tiếp cận này đối với việc xây dựng chính sách đã dẫn tới các cuộc vận động xây dựng nền tảng đạo đức nhằm nâng cao chất lượng đạo đức của người dân, củng cố và biến mỗi người dân thành một con người xã hội chủ nghĩa mới.

Mặc dù các cuộc vận động xây dựng nền tảng đạo đức đều xuất phát từ việc tuân thủ pháp luật, song chúng tách biệt khỏi hệ thống pháp luật - cho tới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Dưới thời của ông Tập Cận Bình, "cuộc hôn nhân" giữa pháp luật và đạo đức đã trở thành một phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Sự hòa trộn này đạt được thông qua việc kết hợp các quy tắc đạo đức, được biết đến như những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, vào tất cả các thủ tục pháp lý.

Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra chỉ thị đầu tiên cho chính phủ về các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, yêu cầu đưa những giá trị này vào mọi thủ tục hành chính và các hoạt động xã hội ở tất cả các cấp.

Nghị quyết được đưa ra tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 năm 2014 là văn kiện đầu tiên của chính phủ chỉ ra mối liên hệ giữa các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội với việc thúc đẩy hệ thống luật pháp.

Tháng 12/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra một văn kiện với tiêu đề "Ý kiến chỉ đạo về việc đưa các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội vào việc xây dựng trật tư luật pháp."

Tháng 7/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã công bố kế hoạch "đưa toàn bộ các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội vào tất cả luật" trong vòng 5 đến 10 năm tới. Kế hoạch này xác định "điều hành đất nước theo luật pháp" và "các nguyên tắc đạo đức" là hai đặc trưng lớn nhất của trật tự luật pháp xã hội chủ nghĩa theo phong cách Trung Quốc.

Để đáp lại những chỉ thị nói trên của Đảng Cộng sản, Tòa án Nhân dân Tối cao - tòa án cao nhất của Trung Quốc, và Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao đã đưa ra những chỉ dẫn yêu cầu các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội cần được áp dụng ở mọi tòa án và trong các vụ xét xử hàng ngày.

Những hành động này đã biến một hệ tư tưởng mang tính trừu tượng thành thực tế đời sống. Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh tính độc nhất và độc lập của hệ thống luật pháp Trung Quốc. Việc kết hợp giữa văn hóa chính trị truyền thống với văn hóa đảng, tăng cường sự kết hợp chính thức giữa luật pháp và đạo đức đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện diện nhiều hơn trong đời sống đạo đức và tinh thần của người dân.

Ngày nay, các tấm ápphích và bảng quảng cáo ghi những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội đầy rầy trên đường phố, ở những nơi công cộng và trong các tòa nhà trên khắp Trung Quốc. Học sinh được yêu cầu học thuộc lòng những giá trị này. Các cơ chế kiểm soát xã hội để triển khai thực hiện các giá trị này đã trở thành một điều cần thiết, như một tấm ápphích ở thành phố Nam Kinh nhắc nhở người dân: Tự do không phải là một "con ngựa hoang," tự do cần có sự kiểm soát của dây cương và người cưỡi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục