Nepal chính thức ban hành hiến pháp mới xóa bỏ chế độ quân chủ

Ngày 20/9, Nepal ban hành bản Hiến pháp mới, từ bỏ chế độ quân chủ cũ để trở thành nhà nước Cộng hòa liên bang bao gồm 7 tỉnh bang.
Các nghị sỹ Nepal tại phiên họp sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp mới, ở Kathmandu ngày 16/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau 7 năm với nhiều cuộc thương lượng bế tắc và hai lần bầu Quốc hội lập hiến, ngày 20/9, Nepal ban hành bản Hiến pháp mới, từ bỏ chế độ quân chủ cũ để trở thành nhà nước Cộng hòa liên bang bao gồm 7 tỉnh bang.

Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav đã ký ban hành bản hiến pháp mới và tuyên bố trước Quốc hội rằng việc thông qua hiến pháp này mở ra con đường phát triển cho đất nước.

Hiến pháp mới được dùng thay Hiến pháp tạm thời được áp dụng gần một thập kỷ qua sau khi kết thúc cuộc nội chiến tại Nepal, dẫn tới sự chấm dứt chế độ quân chủ Hindu.

Trước đó, ngày 16/9, Quốc hội Nepal đã thông qua bản Hiến pháp mới, theo đó sẽ chia quốc gia Nam Á với 28 triệu dân này thành 7 tỉnh bang.

Ngoài ra, nó cũng bao gồm những điều khoản liên quan đến dân tộc thiểu số Madhesi và Tharu chủ yếu sống ở khu vực đồng bằng phía Nam.

Tuy nhiên, một số nhóm tôn giáo sắc tộc cho rằng các nghị sỹ Nepal đã phớt lờ những lo ngại của họ, ví dụ như cách thức phân định đường ranh giới giữa các bang, đồng thời muốn có thêm số bang, lãnh thổ rộng lớn hơn và có thêm ghế cho cộng đồng sắc tộc thiểu số trong quốc hội và chính phủ...

An ninh đã được tăng cường khắp cả nước trong bối cảnh các đảng chính trị và nhóm sắc tộc nhỏ hơn phản đối bản hiến pháp mới gây ra mối đe dọa bạo lực mới. Hàng nghìn cảnh sát đi tuần tra các đường phố trên khắp cả nước và kiểm tra hành khách trên xa lộ.

Các vụ biểu tình bạo lực trong vài tuần qua tại Nepal nhằm phản đối phân chia hành chính trong hiến pháp mới, khiến hơn 40 người thiệt mạng và miền Nam Nepal bị tê liệt. Nỗi thất vọng của họ có thể sẽ nuôi dưỡng những bất ổn nguy hiểm tại nước Cộng hòa Nepal non trẻ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục