Điện Kremlin ngày 30/11 bày tỏ "vô cùng thất vọng" khi kênh truyền hình Nga Russia Today (RT) bị tước quyền đưa tin về hoạt động của Quốc hội Mỹ. Các nghị sỹ Nga cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa đối với truyền thông Mỹ.
Trong động thái mới nhất nhằm vào các cơ quan truyền thông Nga, ủy ban nhà báo - cơ quan quản lý giấy phép đưa tin về hoạt động của cơ quan lập pháp Mỹ, đã thông báo với RT về việc rút giấy phép của kênh truyền hình này.
Phản ứng về thông tin trên, người phát ngôn Tổng thống Nga, Dmitry Peskov cho biết quyết định trên "đi ngược lại các nguyên tắc tự do báo chí và tự do ngôn luận," đồng thời khẳng định đây là "bước đi không thân thiện" khiến Nga "vô cùng thất vọng."
Ông cũng nhấn mạnh rằng "các quyết định thù địch và phi dân chủ này không thể bị bỏ qua" và cho biết thêm rằng các nghị sỹ Nga sẽ có cách "đáp trả mạnh mẽ" đối với truyền thông Mỹ.
Cùng ngày, người đứng đầu RT Margarita Simonyan viết một dòng trạng thái trên ứng dụng tin nhắn Telegram cho biết truyền thông Mỹ sẽ bị cấm đưa tin về hoạt động của Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga. Trong khi đó, người phát ngôn Hạ viện Vyacheslav Volodin cho biết Nga đang cân nhắc các lực chọn để đáp trả tương xứng.
[Tổng thống Nga cảnh báo đáp trả nếu Mỹ cản trở hoạt động của RT]
Trước đó hồi tháng Chín vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu RT đăng ký hoạt động tại Mỹ như một "văn phòng đại diện nước ngoài" theo Đạo luật Đăng ký cơ quan nước ngoài (FARA). Yêu cầu trên được đưa ra sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc RT là "cơ quan tuyên truyền quốc tế của Điện Kremlin" và tham gia các nỗ lực can dự cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ tháng 1/2017 về vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ cho rằng RT thực chất là kênh tuyên truyền quốc tế của Điện Kremlin nhằm ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
RT đã bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ, khẳng định các quảng cáo của hãng trên mạng xã hội trong năm 2016 hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với mọi chuẩn mực. Nga cũng nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Sau khi RT đăng ký hoạt động với tên mới ngày 13/11, cơ quan lập pháp Nga cũng đã thông qua một đạo luật buộc các cơ quan truyền thông nước ngoài hoạt động tại Nga phải đăng ký như một "văn phòng đại diện nước ngoài."
Ông Putin đã ký ban hành luật này hôm 25/11 và các cơ quan truyền thông Mỹ như Voice of America và Radio Free Europe/Radio Liberty đã được cảnh báo phải đăng ký hoạt động theo quy định mới./.