Nga dự định tăng dự trữ ngoại tệ lên 500 tỷ USD trong 5 năm tới

Ngân hàng trung ương Nga (BoR) vừa thông báo sẽ tiếp tục chính sách "làm đầy" nguồn dự trữ ngoại tệ của đất nước trong một vài năm tới, dự định đạt mức 500 tỷ USD trong vài năm tới.
Ngân hàng trung ương Nga. (Nguồn: wsj)
 

Ngân hàng trung ương Nga (BoR) vừa thông báo sẽ tiếp tục chính sách "làm đầy" nguồn dự trữ ngoại tệ của đất nước trong một vài năm tới, cho đến khi đạt bằng mức trước khủng hoảng. Cụ thể, Thống đốc BoR Elvira Nabiullina cho biết ngân hàng dự định tăng lượng vàng và ngoại tệ dự trữ từ mức 356,6 tỷ USD hiện nay lên 500 tỷ USD trong vài năm tới.

Trước đó, BoR cũng tiết lộ kế hoạch sẽ mua vào ngoại tệ từ 100 triệu đến 200 triệu USD mỗi ngày. Với tốc độ này, Moskva sẽ “hút” khoảng 25-50 tỷ USD từ thị trường ngoại hối mỗi năm. Phó Thống đốc BoR Dmitry Tulin nói ngân hàng đặt mục tiêu nâng nguồn dự trữ vàng và ngoại tệ quốc gia lên 500 tỷ USD trong vòng từ ba đến năm năm, với mức độ mua vào như hiện nay.

Thông báo trên cùng với việc giá dầu thô sụt giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến đồng ruble, khiến đồng tiền này mất 3% giá trị so với đồng USD, xuống còn 55,99 ruble đổi được 1 USD, và giảm 2,9% so với đồng euro, xuống còn 63 ruble = 1 euro.

Trước khi kế hoạch trên được công bố, đồng nội tệ của xứ sở Bạch dương đã chịu áp lực giảm giá vì cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Ukraine và giá dầu thế giới sụt giảm. Ngày 3/6, thông tin các cuộc giao tranh đang gia tăng ở miền Đông Ukraine đã lấy đi của đồng ruble gần 3% giá trị.

Alena Afanasyeva, một chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Công ty đầu tư Forex Club nhận định “địa chính trị chính là yếu tố quyết định sự chuyển động của đồng ruble hiện nay." Ngoài ra, không thể không kể đến sự lao dốc của giá dầu. Một ngày trước cuộc nhóm họp định kỳ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), giá dầu đã Brent Biển Bắc đã giảm 2,5% xuống còn 62,20 USD/thùng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của đồng ruble.

Năm 2014 là một năm khó khăn đối với Nga khi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào nước này do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, ảnh hưởng không chỉ tới tới hoạt động xuất khẩu và dòng vốn đầu tư, mà còn làm đồng ruble mất hơn 40% giá trị so với đồng USD. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho hay, sang đến năm 2015, các xu hướng tiêu cực vẫn tiếp tục tác động đến Nga.

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 1/6 đã dự báo kinh tế Nga sẽ sụt giảm 2,7% trong năm nay trước khi tăng trưởng trở lại 0,7% vào năm 2016, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại cho rằng kinh tế nước này sẽ giảm 3,4% năm nay và tăng trưởng khoảng 0,2% trong năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục