Nga nỗ lực bảo vệ chương trình nghiên cứu sao Hỏa hợp tác với châu Âu

Roscosmos sẽ tiếp tục hợp tác và bảo vệ sứ mệnh trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bất chấp những khó khăn từ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
(Ảnh minh họa. Nguồn: ria.ru)

Ngày 26/2, Giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin khẳng định muốn thực hiện sứ mệnh tới sao Hỏa - ExoMars 2022, hợp tác giữa cơ quan này với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Trong một tuyên bố phát trên chương trình Soloviev Live, ông Rogozin khẳng định Roscosmos sẽ bảo vệ chương trình ExoMars 2022, dự kiến khởi động vào tháng 9.

Ngoài ra, Roscosmos sẽ tiếp tục hợp tác và bảo vệ sứ mệnh trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bất chấp những khó khăn từ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Trong khuôn khổ sứ mệnh không gian vũ trụ hợp tác giữa Roscosmos và ESA, tàu vũ trụ ExoMars sẽ được phóng lên vũ trụ trong tháng 9 năm nay, đưa tàu thám hiểm Rosalind Franklin của ESA đến sao Hỏa để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trên hành tinh này. Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2020, song đã bị trì hoãn do cần điều chỉnh lại bộ phận dù hạ cánh an toàn.

[Tên lửa Nga đưa 34 vệ tinh Internet của Anh vào không gian]

Tuy nhiên, cùng ngày, Roscosmos thông báo sẽ ngừng hợp tác với châu Âu trong các vụ phóng tàu vũ trụ Soyuz, dự kiến diễn ra tại sân bay vũ trụ Kourou, Guiana - lãnh thổ hải ngoại của Pháp, để đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Moskva liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Rogozin cho biết thêm cơ quan vũ trụ Nga sẽ rút các nhân viên kỹ thuật của đơn vị này khỏi Guiana.

Phản ứng trước thông tin trên, EU khẳng định động thái của Nga sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ mạng vệ tinh Galileo và Copernicus. Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề không gian vũ trụ Thierry Breton cho biết sẽ kịp thời có bước bước đi cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục